“Triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững” là yêu cầu của Phó Thủ tướng, kiêm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp Hoàng Trung Hải tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra sáng 13/8 tại Hà Nội.
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực gồm: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và chế biến lâm nông lâm thủy sản và muối.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Tính đến hết tháng 7 năm nay, đã có 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng đề án cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, một số địa phương tuy đã phê duyệt nhưng lại chưa triển khai.
Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng các địa phương đang gặp khó khăn về chính sách về đất đai và tín dụng khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, làm cản trở quá trình triển khai tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để các doanh nghiệp tham gia cần có những chính sách tháo gỡ những khó khăn này để tăng cường mối liên kết “4 nhà” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: “Phải có chính sách riêng về đất, nếu như không có quỹ đất thì cần có chính sách để doanh nghiệp phối hợp với người dân. Hiện nay Quảng Ninh cũng đang triển khai tháo gỡ khó khăn này, đối với doanh nghiệp thuê đất của dân thì tỉnh hỗ trợ một phần tiền thuê đất, còn lại người dân góp đất với doanh nghiệp thì làm công nhân tại doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Ngoài ra, vốn cho doanh nghiệp vay đầu tư nông nghiệp còn gặp khó”.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo cũng như lãnh đạo các địa phương trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời chỉ rõ, tái cơ cấu nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu chung của cả nền kinh tế. Quá trình triển khai tái cơ cấu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà khoa học thông qua chất lượng, giá trị nông sản được nâng lên, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Nông dân đã tự nhận thức cùng phối hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng sạch hơn, hiệu quả hơn, truy xuất được nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, từ nay đến cuối năm, 16 tỉnh, thành phố còn lại phải hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về tái cơ cấu nông nghiệp, và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và địa phương, tránh tư duy đầu tư dàn trải mà không mang lại hiệu quả.
Tránh tư duy đầu tư dàn trải, làm theo phong trào trên cơ sở đề án tái cơ cấu các địa phương chọn ra một số sản phẩm có điều kiện liên kết tốt, và có thị trường tiêu thụ thuận lợi để phát triển trước. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp những năm vừa qua rất tốt nhưng trong bối cảnh hội nhập này phải làm tốt hơn. Tái cơ cấu phải thực hiện từng bước để đạt hiệu quả cao, tránh tư tưởng nóng vội, làm theo phong trào đầu tư dàn trải ra cuối cùng không kiểm soát được, hậu quả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bà con nông dân. Tái cơ cấu các lĩnh vực tránh tư duy áp đặt, hành chính hóa cứ nói cây hay con giống này tốt, mà phải để người dân tự nhận thức và tự quyết định./.
Minh Long/VOV-Trung tâm Tin