Nuôi tôm - mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các huyện vùng hạ giúp nông dân có thu nhập cao
Phát triển nông nghiệp bền vững
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành, đã có gần 11.000ha đất trồng lúa chuyển sang các cây trồng khác như: Thanh long, chanh, bắp, mè, đậu phộng,... cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như người trồng thanh long, chanh có thu nhập từ 150-500 triệu đồng/ha/năm, góp phần quan trọng cho việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Long An cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế từng vùng sinh thái. 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: Vùng I ở khu vực Đồng Tháp Mười - phát triển lúa cao sản xuất khẩu, có diện tích tự nhiên khoảng 198.000ha; vùng II ở các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa - vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng, có diện tích tự nhiên khoảng 103.000ha; vùng III phát triển nông nghiệp ven đô gồm TP.Tân An và các huyện Tân Trụ, Châu Thành, có diện tích tự nhiên khoảng 40.000ha, chủ yếu trồng thanh long, lúa, nếp đặc sản, rau an toàn; vùng IV là vùng giáp ranh TP.HCM - vùng chịu ảnh hưởng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, có diện tích khoảng 106.000ha, gồm các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, chủ yếu nuôi thủy sản nước lợ, trồng rau an toàn, đậu phộng, lúa đặc sản,...
Thời gian qua, Sở NN&PTNT cùng các ngành liên quan đã phối hợp doanh nghiệp (DN) cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Năm 2015, có 20 DN triển khai thực hiện 59 lượt cánh đồng lớn với diện tích trên 24.000ha, tăng 14.642ha so với năm 2014. Khi tham gia sản xuất với các DN, nông dân được bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận cao hơn so với nông dân không liên kết sản xuất từ 2-3 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP tại huyện Cần Giuộc;... Ngành tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển nông nghiệp. Đến nay, hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho trên 90% diện tích trồng lúa.
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm: “Qua gần 2 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành, ngành vẫn còn những khó khăn như: Thị trường tiêu thụ không ổn định; giá cả bấp bênh; hệ thống kết cấu hạ tầng có phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Sở tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để đầu tư các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng chuyên canh, Dự án hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng tạo giống thủy sản nước lợ vùng hạ (huyện Cần Đước và Cần Giuộc),... nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và phát triển nông nghiệp bền vững”.
Tập trung vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị cao
Để Long An phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã quy hoạch 28 KCN và 32 CCN. Đến nay, đã có 16/28 KCN hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 54%, thu hút được 1.025 dự án đầu tư, thuê lại 1.514ha đất và 813.959m2 nhà xưởng, trong đó, có 396 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 2.550 triệu USD và 629 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 40.718 tỉ đồng. Các KCN trong tỉnh giải quyết việc làm cho 88.562 lao động. 14/32 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,4%; có 182 DN đã hoạt động sản xuất, thu hút khoảng 15.300 lao động làm việc.
Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp cho biết, thực hiện tái cơ cấu kinh tế trên lĩnh vực công nghiệp, trong giai đoạn 2013-2015, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển theo hướng bền vững. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh hiện nay là chế biến thực phẩm và đồ uống; dệt, may; da, giả da; sản xuất hóa chất; cơ khí và các sản phẩm cơ khí; nhựa; chế biến gỗ;... Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 11,5%/năm. Dự kiến, đến hết năm 2015, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng (khu vực II) trong GDP của tỉnh chiếm 43%.
Trong 9 tháng năm 2015, giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên toàn tỉnh tăng 18,9% so với cùng kỳ (giá trị 109.301 tỉ đồng). Giá trị các mặt hàng xuất khẩu khoảng 2.590 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN có mức tăng trưởng kinh tế cũng như tăng lượng hàng hóa xuất khẩu khá tốt so với năm 2014. Điển hình như Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến, chuyên về chế biến và xuất khẩu gạo tại địa bàn TP.Tân An. 9 tháng qua, Cty đã xuất khẩu 203.000 tấn gạo, nếp sang các nước; dự kiến đến hết năm 2015, tổng lượng xuất khẩu đạt 270.000 tấn. Năm 2015, Cty có lượng xuất khẩu tăng 65% so với năm 2014.
Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi
Do vị trí địa lý thuận lợi và sẵn có quỹ đất sạch nên việc thu hút đầu tư vào các K-CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều thuận lợi. Điển hình như dự án của Tập đoàn Huafu (dự án FDI) đến từ Hồng Kông, có số vốn đầu tư lớn nhất tại Long An cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư vào KCN Thuận Đạo mở rộng - tổng số vốn đầu tư từ Tập đoàn Huafu khoảng 300 triệu USD. Hay dự án Khu công nghệ Môi trường xanh do Cty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam-Long An làm chủ đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, với diện tích 1.760ha; vốn đầu tư thực hiện dự án 450 triệu USD, tương đương 9.656 tỉ đồng Việt Nam.
Tuy nền kinh tế công nghiệp có những bước phát triển khá tốt nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định như: Tăng trưởng chưa bền vững; tiến độ xây dựng một số CCN còn chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế,... Trong giai đoạn 2016-2020, Long An tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; thu hút và lấp đầy trên 3.500ha diện tích các K-CCN. Trong đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, gắn kết phát triển dịch vụ công nghiệp. Các ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, công nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện môi trường.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Minh Hạ cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2011-2015 tỉnh Long An được phân bổ là 12.970 tỉ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân 12.693 tỉ đồng, đạt 99,24% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 5.032 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đạt 100% kế hoạch; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2.416 tỉ đồng; nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước (vay Ngân hàng Phát triển 545 tỉ đồng); nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương (vốn xổ số kiến thiết) 3.320 tỉ đồng; nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia 680 tỉ đồng;...
Thuận lợi của Long An là được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn ngay từ đầu năm; các giải pháp quản lý, điều hành sát thực tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện và giải ngân đạt kết quả cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, công tác xây dựng cơ bản trong 5 năm 2011-2015 còn một số hạn chế, tồn tại như: Nguồn vốn được phân bổ thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển KT-XH, các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án, tình hình suy giảm kinh tế vẫn còn tác động đến thu hút đầu tư tạo nguồn thu cho ngân sách,...
Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đăng ký kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn với tổng vốn 43.962.563 tỉ đồng. Nguồn vốn này tiếp tục được ưu tiên cho đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế, an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành của các công trình trọng điểm giai đoạn 2010-2015; ưu tiên các chương trình đột phá, công trình trọng điểm và các công trình thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020./.
Mai Hương-Hải Phong