Xã Tân Bình luôn tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Từ năm 2019 đến nay, xã xây dựng được 10 cây cầu giao thông nông thôn, với kinh phí trên 4,2 tỉ đồng, ngân sách đối ứng 40%, số còn lại nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập xã (31/8/1992), chúng tôi có dịp về thăm xã Tân Bình. Đi trên những con đường bêtông đạt tiêu chí sáng, xanh, sạch đẹp, hai bên đường trồng rất nhiều hoa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát nhau, người dân không còn chịu cảnh “qua sông phải lụy đò”, chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi quê hương ngày càng đổi mới. Nếu không tìm hiểu kỷ thông tin về xã, ít ai biết rằng Tân Bình là địa phương từng được mệnh danh là nghèo nhất huyện, thậm chí có giai đoạn Đảng và Nhà nước phải cứu đói cho dân trong nhiều tháng liền.
Đường giao thông tiếp tục được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện
Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập xã, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Hồ Văn Phúc cho biết: “Năm 1992, xã Tân Bình được thành lập, trên cơ sở tách ra từ xã Kiến Bình và Tân Hòa. Ngay sau khi thành lập, Tân Bình là xã nghèo nhất huyện. Cụ thể, giao thông đường bộ chỉ có Đường tỉnh 829 và một số đường mòn, trong đó nhiều ấp không có điện, không có đường và nước sinh hoạt; trên 50% hộ nghèo đói, người dân sống chủ yêu bằng nghề đánh bắt cá và làm thuê; toàn xã chỉ có 4 căn nhà cấp 4, còn lại là nhà tre lá tạm bợ,… Đặc biệt, năm 2000, 2001, 2002, lũ lớn tàn phá hạ tầng thiết yếu, nhà cửa, ruộng vườn, vật nuôi dẫn đến nhiều hộ dân thiếu đói, phải cứu trợ từ 3 - 6 tháng”.
Diện tích sản xuất lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, 3 vụ/năm, nhất là xây dựng được trên 314ha vùng lúa ứng dụng công nghệ cao
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo và chinh phục thiên nhiên. Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình - Nguyễn Thế Anh cho biết: “Các giải pháp được các đồng chí lãnh đạo đưa ra sau ngày thành lập xã là khai hoang mở rộng diện tích sản xuất lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, 3 vụ/năm; đào kênh thủy lợi để dẫn nước tưới tiêu kết hợp xây các ô đê bao; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa và chăm lo an sinh xã hội. Với sự quyết liệt chăm lo cho dân trong 30 năm qua, đến nay, xã có 100% đường trục xã được nhựa hóa, 100% đường trục ngõ, xóm được cứng hóa; thu nhập bình quân trên 52 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 3,53%; 99,66% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia; 76.02% hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố;…”
Xã huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Bình quân, hàng năm xã vận động xây từ 4 - 5 căn nhà tình thương cho người nghèo
Không chỉ “thay da, đổi thịt”, xã Tân Bình còn vượt khó xây dựng thành công xã nông thôn mới. Chứng kiến cảnh quê hương thay đổi từng ngày, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên, bà Lê Thị Ảnh (ấp Hiệp Thành) bộc bạch: “Bây giờ, đời sống người dân cao hơn trước rất nhiều! Điện, đường, trường, trạm được đầu tư ngày càng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, học tập, khám chữa bệnh của người dân. Riêng về hộ nghèo, cận nghèo, xã tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, tặng quà,… Nói chung chính quyền xã Tân Bình luôn quan tâm chăm lo về vật chất lẫn tinh thần, cuộc sống người dân được nâng lên, tôi mừng lắm!”.
Bà Lê Thị Ảnh phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng lên
Không còn là xã nghèo, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, nhất là hoàn thanh 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình có quyền tự hào về các kết quả đạt được. Niềm tự hào này, chính là động lực, mục tiêu để địa phương tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được các cấp, các ngành đề ra.
Ông Nguyễn Thế Anh cho biết thêm: “30 năm thời gian không quá dài, cũng không quá ngắn, thế nhưng, cấp ủy qua các thời kỳ đã lãnh đạo xã phát triển đến ngày hôm nay là điều không dễ dàng. Để giữ vững và phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục tập trung xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xuất khẩu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội; huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn; đa dạng hóa các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao,… "
Qua 30 năm, bằng sự nỗ lực, đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình đã làm bừng lên sức sống mới, diện mạo mới trên vùng quê nghèo khó năm nào./.
Lê Ngọc