Hỗ trợ phát triển kinh tế
Năm 2016, Tân Đông hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu so với nghị quyết, trong đó có chỉ tiêu về giải quyết việc làm, giảm nghèo cho lao động nông thôn. Theo đó, các đoàn thể xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất.
Như trường hợp của bà Lê Thị Có (SN 1949), ở ấp 4, do tuổi cao, không còn đủ sức khỏe đi làm thuê, làm mướn lại phải nuôi mẹ già gần 90 tuổi nên cuộc sống rất khó khăn. “Nhờ địa phương xét cho vay 30 triệu đồng, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi bò và cá rô. Những lúc nhàn rỗi, tôi đan nón bàng để tăng thêm thu nhập. Đến nay, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định” - bà Có phấn khởi.
Từ nguồn vốn vay, bà Lê Thị Có phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo
Không chỉ hỗ trợ cho vay vốn, xã thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn: Nuôi bò, trồng nấm rơm, tạo dáng cây kiểng,... Đồng thời, vận động nông dân tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết để nâng cao năng suất, hiệu quả.
Đến nay, xã hình thành được cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết với hơn 700ha, năng suất bình quân cả năm 6,8 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 22-28 triệu đồng/ha.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có 109 công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại địa phương. Năm qua, xã giới thiệu việc làm cho 205 lao động, đạt 113,9%. Toàn xã hiện chỉ còn 52 hộ nghèo, chiếm 3,21%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm.
Đầu tư nâng cấp giao thông, thủy lợi
Những năm qua, Tân Đông đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, xem đây là “đòn bẩy” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.
Năm 2016, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về thực hiện công tác dân vận, trong đó tập trung vận động nhân dân xây dựng 14 công trình: Cầu và đường Rạch Bần (ấp 4), cầu và đường Rạch Chùa (ấp 1, 2), đường La Khoa (ấp 3), hoàn thành khu đê bao Rạch Bần - Bà Lộc diện tích 104ha,... tổng kinh phí trên 6,7 tỉ đồng.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc xây dựng các công trình, từ đó chung sức, đồng lòng thực hiện.
Cầu Rạch Bần được hoàn thành với sự đóng góp rất lớn của gia đình ông Trần Minh Hoàng
Qua vận động, hầu hết người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền hơn 2,3 tỉ đồng (chiếm hơn 1/3 tổng kinh phí). Nổi bật trong số đó là gia đình ông Trần Minh Hoàng (SN 1953), ở ấp 4, đóng góp 342 triệu đồng thi công cầu Rạch Bần, giúp giảm bớt khó khăn cho người dân khi đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Ông Hoàng chia sẻ: “Trước đây, đường sá nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, nhà nào có người thân bị bệnh phải vận chuyển ra đường lớn bằng ghe hoặc xe máy rất vất vả và mất thời gian. Ngoài ra, việc vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng cũng tốn khá nhiều chi phí. Thấy sự bất tiện đó nên khi địa phương có chủ trương mở rộng đường, xây cầu là gia đình tôi đồng tình ngay”.
Vậy mới thấy, khi nghị quyết đưa ra sát hợp với thực tế, phù hợp nguyện vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân. Điều đó thể hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Đông thời gian qua. “Tuy còn nhiều khó khăn trong thực hiện 6 tiêu chí còn lại: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, hệ thống chính trị, môi trường và thu nhập nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, nỗ lực về đích theo đúng lộ trình vào năm 2018” - Phó Bí thư Đảng ủy xã - Võ Thanh Bảo cho biết.
Những tuyến đường bê tông rộng rãi, khang trang là điểm nhấn nổi bật của nông thôn Tân Đông hôm nay
Chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, người dân thêm phấn khởi, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần cùng địa phương thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết./.
An Kỳ