Tiếng Việt | English

08/05/2023 - 14:15

Tân Thạnh phát triển kinh tế nhờ trồng sen

Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, nhiều khu vực có địa hình đất trũng, ngập nước khó canh tác lúa, vì vậy, ngoài trồng lúa, người dân nơi đây duy trì, phát triển kinh tế với nghề trồng sen lấy ngó và gương. Mặc dù có những lúc giá cả bấp bênh nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng thất thu như cây lúa, do đó, người dân vẫn gắn bó và tìm cách để nâng cao giá trị cây sen.

Tuy vất vả nhưng trồng sen mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện Tân Thạnh có trên 200ha sen, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhơn Hòa, Tân Lập, Tân Bình, Kiến Bình. Trong đó, xã Nhơn Hòa có 350ha trồng sen, trong đó có 70ha sen lấy ngó, người dân trồng chuyên canh sen hoặc trồng xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ sen. Trồng sen tuy vất vả nhưng có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất phèn, trũng. Anh Phạm Văn Duy Phương (xã Nhơn Hoà) có kinh nghiệm trên 2 năm trồng sen lấy ngó.

Anh cho biết: “Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công cho một vụ sen không nhiều như trồng lúa. Với 1ha sen, cứ cách ngày, tôi thu hoạch 40-50kg ngó sen, với giá bán từ 16.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận khoảng 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng tùy thuộc từng thời điểm, giá thị trường cao hay thấp”.

Anh cũng cho biết, trồng sen lấy gương thì một vụ kéo dài trên 5 tháng và thu lợi nhuận nhiều hơn so với sen lấy ngó vì ở giai đoạn đầu (trên 1 tháng sau khi trồng), người dân có thể thu hoạch ngó sen để điều chỉnh mật độ sen lấy gương, bảo đảm sen sinh trưởng và phát triển tốt, cho gương sen to, đều hạt.

Được biết, giá gương sen cao gấp 2 lần ngó sen, nhưng khâu chăm sóc cực hơn và đầu ra không ổn định bằng ngó sen. Trồng sen còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương với tiền công 250.000 đồng/buổi. Việc trồng sen cho năng suất và chất lượng cao không còn là chuyện khó khăn đối với người dân huyện Tân Thạnh vì có thể chủ động hơn trong sản xuất, quản lý được mực nước trên đồng ruộng kết hợp phòng trừ sâu, bệnh và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp sen sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao. Hiện nay, nhiều hộ gia đình và một số cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã sơ chế ngó sen và chế biến các sản phẩm từ sen như hạt sen sấy khô, trà sen, sữa sen, ngó sen chua ngọt,... từng bước tiếp cận người tiêu dùng. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ sen, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Đây cũng là động lực để người dân duy trì và phát triển cây sen.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa - Ngô Phước Xuyên cho biết: “Hiện xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sen Hải Nhơn có 11 thành viên, với vốn điều lệ 55 triệu đồng, tổng diện tích trồng sen trên 300ha. Hợp tác xã ra đời với mục tiêu liên kết sản xuất, tạo mối quan hệ trong kinh doanh giữa các hộ sản xuất, hạn chế tình trạng bị ép giá, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương; đồng thời, làm “cầu nối” chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, uy tín sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu mua khoảng 1.000kg ngó sen, gương sen cung cấp ra thị trường các tỉnh lân cận và TP.HCM”.

Việc nâng tầm giá trị cây sen góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ sen, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Đây cũng là động lực để nông dân duy trì và phát triển cây sen trong thời gian tới./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết