Tiếng Việt | English

10/12/2022 - 00:00

Tân Thạnh phát triển sản phẩm OCOP - 'Đòn bẩy' từ những lợi thế

Qua thời gian triển khai, thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) giúp phát huy lợi thế, tiềm năng, giá trị sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Anh Lê Thanh Nhàn - chủ Cơ sở Sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - bìa trái), luôn chú trọng sản xuất sạch để các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Cùng với đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tân Thạnh tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, với mục tiêu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn sinh học; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Đến nay, huyện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, gồm: Nấm đông trùng hạ thảo Thanh Nhàn, nấm linh chi Thanh Nhàn của Cơ sở Sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn (xã Tân Lập) và Gạo sạch Tân Thạnh của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập). Các sản phẩm OCOP khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng xã NTM.

Anh Lê Thanh Nhàn - chủ Cơ sở Sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn, cho biết: “Thực hiện chương trình OCOP, cơ sở được hưởng nhiều lợi ích như tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; hoàn thiện về mẫu mã, chất lượng và gia tăng tính cộng đồng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các sản phẩm ngày càng được khách hàng ưa chuộng”.

Nấm linh chi và đông trùng hạ thảo được anh Nhàn phát triển thương hiệu trên 5 năm. Bắt tay vào sản xuất, anh hướng tới mục tiêu sạch, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, không chạy theo lợi nhuận. Điều này giúp các sản phẩm ngày càng khẳng định được thương hiệu và dễ dàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nấm linh chi tìm được đầu ra ổn định, nấm đông trùng hạ thảo được bán trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng Zalo, Facebook.

Huyện Tân Thạnh có nhiều sản phẩm tiềm năng để đạt chuẩn OCOP

Ban đầu, HTX Tân Thịnh trồng 1ha lúa hữu cơ, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và cung cấp gạo chất lượng cho người dân địa phương. Sau thời gian, sản phẩm gạo hữu cơ được nhiều người biết đến và đặt hàng, HTX mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất lên 5ha; đồng thời, đầu tư bao bì, mẫu mã, nhất là mạnh dạn tham gia chương trình OCOP. Giám đốc HTX Tân Thịnh - Bùi Văn Song cho biết: “Sản xuất gạo sạch, hữu cơ mà không có các loại giấy tờ liên quan thì không ai tin. Vì vậy, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP là cách chứng minh sản phẩm tốt nhất”.

Tân Thạnh là huyện thuần nông, đất đai màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng. Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, huyện thường xuyên vận động nông dân sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường gắn với xây dựng thương hiệu. Nhờ vậy, huyện có nhiều sản phẩm tiềm năng để đạt tiêu chuẩn OCOP như gạo tím Omega 3.6.9 của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình); bột sen Hải Nhơn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa); dưa lưới Nhơn Ninh (xã Nhơn Ninh); khô Cô Nhàn (xã Kiến Bình); ngó sen ngâm chua ngọt (xã Kiến Bình);...

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Qua thời gian thực hiện chương trình OCOP, người dân rất đồng tình hưởng ứng, mạnh dạn tham gia. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là tập trung cho sản phẩm gạo và trái cây. Qua đó, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết