Tiếng Việt | English

27/05/2024 - 14:13

Tân Thạnh sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn, mặn

Cũng là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay, thế mạnh của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có thêm cây ăn trái và rau màu các loại. Vì vậy, để bảo vệ tốt diện tích lúa và vườn cây ăn trái trước tác động của biến đổi khí hậu, nhất là trong lúc hạn, mặn vẫn còn xảy ra, nông dân huyện chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng trong sản xuất.

Nông dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Thạnh, vụ Hè Thu 2024 đã gieo sạ được 28.356ha, đạt hơn 100% kế hoạch; hiện thu hoạch hơn 25.000ha; còn lại 3.024ha, trong đó có 862ha lúa giai đoạn trổ đều - chắc, hơn 1.800ha lúa giai đoạn đòng - trổ, 355ha lúa giai đoạn đẻ nhánh và phát triển tốt. Vụ Thu Đông 2024 đã gieo sạ được 7.911ha, đạt 40% kế hoạch, trong đó có 265ha lúa đang ở giai đoạn trổ đều - chắc, 1.656ha lúa giai đoạn đòng - trổ, 819ha lúa giai đoạn đẻ nhánh,...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, nhiều ngày qua, mặc dù trên địa bàn huyện xuất hiện mưa nhưng độ mặn tại các tuyến kênh còn ở mức cao. Do đó, ngành chuyên môn cùng các ngành liên quan liên tục thông tin để người dân có những những giải pháp chủ động thích ứng trong sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Được (xã Nhơn Hòa Lập) có 5ha đất, hiện xuống giống được 2ha lúa, còn lại 3ha chờ khuyến cáo của ngành chuyên môn để xuống giống thích ứng với tình hình hạn, mặn, tránh bị thiệt hại. Ông Được chia sẻ: “Giờ làm ruộng, xuống giống phải nắm thông tin từ cán bộ Khuyến nông xã, cán bộ ấp, tuân thủ theo lịch thời vụ và làm đồng loạt chứ không tự ý làm như ngày trước. Tôi theo dõi kỹ thông tin về hạn, mặn để canh thời điểm xuống giống lúa, tránh thiệt hại”.

Bên cạnh cây lúa, huyện có diện tích trồng cây ăn trái khá lớn với hơn 2.513ha, chủ yếu là mít, chanh, sầu riêng, dừa,... Đối với cây ăn trái, ngành chuyên môn huyện cũng có giải pháp khuyến cáo người dân phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ cây trồng. Anh Nguyễn Văn Khoa (ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình) trồng 1ha chanh bông tím khá lo lắng trước tình hình hạn, mặn đang diễn ra. Anh Khoa cho biết: “Cán bộ Khuyến nông, Hội Nông dân xã tuyên truyền phải canh độ mặn của nước khi tưới cho chanh, Bên cạnh đó, cán bộ xã cũng tư vấn bón phân dưỡng rễ và xịt phân bón lá để tăng sức đề kháng cho cây”.

Xã Tân Bình là địa phương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong công tác phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình - Nguyễn Quốc Vũ cho biết: “Nhằm chủ động ứng phó kịp thời với hạn, xâm nhập mặn, thời gian qua, Hội thường xuyên cập nhật thông tin cũng như kết quả đo độ mặn trên các tuyến kênh để thông tin kịp thời đến người dân. Đồng thời, thông tin mức chịu mặn của các loại cây trồng trên địa bàn xã qua trạm truyền thanh xã, ấp, các nhóm mạng xã hội do Hội quản lý nhằm giúp nông dân chủ động ứng phó”.

Hiện độ mặn ở các tuyến kênh trên địa bàn huyện còn ở mức cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Huyện Tân Thạnh chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời, vận động người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi bơm tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết