Tiếng Việt | English

19/01/2023 - 12:18

Tân Trụ dựng nêu đón Tết  

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tái hiện nghi thức dựng cây nêu tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Đây là phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên đán của người dân đất Việt. Cây nêu được dựng lên cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, người dân có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.

9 giờ, nghi thức dựng cây nêu bắt đầu. Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Trên cây nêu có treo đèn lồng, lá phướn dài có dòng chữ “Quý Mão cát tường” uốn lượn trong gió, vật phẩm địa phương như bánh tét, bắp, dụng cụ tạo âm thanh,…

Sau khi có hiệu lệnh của ông Nguyễn Huỳnh Triều (nhà nghiên cứu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Long An), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cùng cán bộ, người dân kéo chiếc dây, nâng cây nêu thẳng đứng.

Cây nêu được dựng lên, báo hiệu một năm mới sắp đến. Cây nêu tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh. Các linh vật sẽ va đập kêu leng keng trong gió với ý nghĩa trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới mở ấn, hạ nêu và tiễn Thần, gọi là mở đầu năm mới.

Ý nghĩa lớn nhất của dựng nêu là tri ân tổ tiên và các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất nơi mình sinh sống. Đó được xem là những nét đẹp trong phong tục ngày tết, mang một giá trị về văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi thượng nêu, nghi thức cúng tiên sư được tổ chức bài bản theo đúng tập tục truyền thống, thể hiện lòng tri ân với tổ tiên và các bậc tiền nhân.

Tại lễ dựng nêu, ông Nguyễn Huỳnh Triều còn chia sẻ ý nghĩa của cây nêu và tại sao Tết phải dựng cây nêu? Đây là một trong những phong tục tập quán ngày xưa nhằm tôn vinh, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn người xưa đã đổ xương máu, mồ hôi, nước mắt, dày công lập nghiệp, mở mang vùng đất phương Nam.

Việc dựng cây nêu mang tính giáo dục rất cao và có ý nghĩa rất sâu sắc. Vừa nhắc lại công lao tiền nhân, vừa giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rằng, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông cha ta vẫn nhớ đến ngày Tết Cổ truyền. Việc dựng cây nêu cũng là cách để tất cả mọi người cùng cầu mong mọi sự tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn./.

Hà Lan

 

Chia sẻ bài viết