Tiếng Việt | English

29/01/2018 - 14:06

Tân Trụ: Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Những năm gần đây, nông dân huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn. Qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chuyển đổi hiệu quả

Gần đây, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng thanh long, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Minh Phát, ngụ xã Quê Mỹ Thạnh, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa 2 vụ/năm nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi trồng thử nghiệm 0,5ha thanh long. Kết quả, thu nhập từ thanh long cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Do đó, gia đình tôi chuyển toàn bộ hơn 1ha sang trồng cây thanh long. Hiện, thanh long cho thu hoạch ổn định”.

Không chỉ gia đình ông Phát mà rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện thành công khi chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã Đức Tân, chia sẻ: “Khi được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tôi đầu tư trồng thanh long. Hiện, gia đình tôi có trên 0,5ha thanh long, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh - Nguyễn Ngọc Thuận cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang có những thuận lợi nhất định, nhờ sự tham gia tích cực của các ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của nông dân. Để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, định hướng các loại cây, con giống có giá trị kinh tế để người dân chủ động chuyển đổi phù hợp. Đến nay, toàn xã có 98ha thanh long. Diện tích quy hoạch trồng thanh long của xã từ nay đến năm 2020 là 180ha”.

Ngoài cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, con tôm cũng được nhiều nông dân trên địa bàn huyện ưu tiên lựa chọn. Ông Đỗ Văn Đo, ngụ xã Nhựt Ninh, đầu tư nuôi 1ha tôm, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Theo ông Đo, so với trồng lúa thì nuôi tôm mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần nhưng quá trình nuôi cũng gặp nhiều rủi ro, nhất là tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết thay đổi liên tục.

Cũng như ông Đo, bà Dương Thị Sương, ngụ xã Đức Tân, chuyển đổi hơn 0,5ha đất lúa sang nuôi tôm. Bà Sương nói: “Nhờ nuôi tôm mà kinh tế gia đình tôi khá hẳn lên, lúc trước, 0,5ha đất nhiễm phèn quanh năm, làm lúa chỉ được 1 hoặc 2 vụ, thu nhập khoảng chục triệu đồng. Sau đó, tôi “làm liều” đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ai ngờ trúng liên tục mấy vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, không phải ai nuôi cũng hiệu quả, có nhiều hộ thất bại”.

Trồng thanh long và nuôi tôm mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa

Nuôi tôm mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa

Vẫn còn khó khăn

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng cho biết: “Toàn huyện có trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng thanh long và nuôi tôm, trong đó, có 540ha được chuyển sang trồng thanh long. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 1.000ha thanh long, 667ha tôm. Hiện nay, lợi nhuận từ cây thanh long và con tôm mang lại rất cao: Thanh long trung bình 255 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 lần lúa; tôm trên 170 triệu đồng/ha/vụ, trung bình mỗi năm 1-2 vụ. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, thời gian qua, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ ao lắng trong nuôi tôm; thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm và trồng thanh long theo hướng VietGAP; mô hình tưới tiết kiệm trên cây thanh long. Thời gian tới, phòng phối hợp các xã nắm lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi, đồng thời xây dựng các phương án như hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và định hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP để bảo đảm các tiêu chuẩn đầu ra”.

“Bên cạnh hiệu quả, nông dân cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất: Đầu ra không ổn định, chủ yếu bán cho thương lái; chưa có liên kết sản xuất; giá cả vật tư nông nghiệp không ổn định; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; đối với cây thanh long vẫn chưa có kho chứa, thiếu nước ngọt, đặc biệt là nước tưới vào mùa khô” - ông Hoàng cho biết thêm./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết