'Người mẹ' thứ 2 của học sinh
'Mẹ Trang'là cách gọi thân thương của nhiều HS dành cho Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thu Trang - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Dù còn học lớp cô Thu Trang hay không, các em vẫn giữ nguyên cách xưng hô đó bởi các em xem cô là 'người mẹ' thứ 2 của mình.
Cô Trần Thị Thu Trang theo dõi hoạt động của đôi bạn học tập
Để có được tình cảm ấy của HS, hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Thu Trang luôn đặt cái tâm vào công tác giảng dạy HS vùng biên. Trải qua bao gian khó, cô vẫn không nản lòng bởi tình yêu nghề, mến trẻ lớn hơn tất cả. Cô Thu Trang kể: 'Điều kiện dạy học ở vùng biên còn nhiều khó khăn. Đường sá đi lại gian nan, vất vả. Nhớ mùa nước nổi năm 2000, mỗi ngày, từ nhà đến trường, tôi đi hơn 2 tiếng đồng hồ với đoạn đường 5km nhưng vì thương học trò và mong muốn được góp phần mang những điều tốt đẹp đến với các em nên khó khăn nào tôi cũng cố gắng vượt qua'.
Trong quá trình giảng dạy, cô Thu Trang ân cần, quan tâm từng HS, nhất là những em chưa nắm chắc bài. Ngoài ra, cô còn xây dựng đôi bạn học tập ngồi cùng bàn để các em hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Trong đó, HS học tốt hướng dẫn, dò bài cho HS học chưa tốt. Theo dõi hoạt động của các đôi bạn học tập, nếu đôi bạn học tập nào gặp khó khăn, cô Thu Trang kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. 'Riêng với HS còn gặp khó khăn trong việc học, tôi thường dành 10 phút trong giờ ra chơi để kèm các em. Thường các em hay rơi vào trường hợp đọc chậm, viết sai chính tả, tính toán còn sai sót,... Tùy điểm yếu của các em, tôi kiên nhẫn giúp các em rèn và luyện tập để tiến bộ' - cô Thu Trang trải lòng.
Ngoài dạy kiến thức, cô Thu Trang còn gần gũi, thân thiện và thường xuyên trò chuyện để nắm bắt tâm tư, tình cảm của HS. Thông qua những câu chuyện thực tế, cô lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và bồi đắp nhân cách đẹp cho HS. Đối với HS chưa ngoan, cô dùng lời nói nhẹ nhàng, tình cảm chân thành để các em hiểu rõ đúng, sai và có cách ứng xử chuẩn mực hơn.
Cô Thu Trang tâm sự: 'Khi cảm nhận được tình thương yêu của thầy, cô, các em sẽ nghe lời và dần thay đổi theo hướng tích cực. Trong sự nghiệp “trồng người” của mình, tôi muốn dùng tình cảm chân thành ấy để uốn nắn các em'.
Hết lòng vì học sinh
Là giáo viên trẻ, cô Phùng Thị Trà My - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lạc (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa), nỗ lực hết mình để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và truyền cảm hứng học tập cho HS. Trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học
Cô Phùng Thị Trà My luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, giúp học sinh hứng thú học tập
2021-2022, cô Trà My xuất sắc đoạt giải nhì. Dạy lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, cô Trà My linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy nhằm phát huy khả năng, tính chủ động của HS. Tùy môn học, nội dung tiết học, cô Trà My áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp. Đó có thể là cho HS chơi trò chơi để khám phá kiến thức mới; học nhóm để thảo luận nội dung bài mới và đặc biệt là cho các em phát biểu xây dựng bài học...
Cô Trà My chia sẻ: “Đầu năm học, tôi có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo HS. Trong quá trình dạy, tôi phân luồng theo năng lực, sở trường của các em. Đối với HS có thế mạnh ở lĩnh vực hay môn học, tôi giúp các em phát huy tốt hơn. Riêng HS chưa nắm chắc bài, gặp khó khăn trong việc học, tôi kiên nhẫn hướng dẫn, giúp đỡ các em. Tôi thường đặt câu hỏi phù hợp với HS để khích lệ, giúp các em tin tưởng vào khả năng của bản thân và hứng thú học tập. Ngoài ra, tôi còn thông tin tình hình học tập của HS với phụ huynh để phối hợp nhắc nhở, hướng dẫn các em”.
Bên cạnh dạy kiến thức, cô Trà My cũng chú trọng rèn tính tự lập cho HS. Ngay từ đầu năm học, cô quy định nội quy chung để cả lớp cùng thực hiện. Trong các hoạt động sinh hoạt cá nhân, cô hướng dẫn các em tự làm thay vì làm thay các em. 'Mới chuyển từ mầm non lên lớp 1 nên nhiều em vẫn chưa tự lập. Do vậy, tôi tập cho các em ngay từ đầu năm học. Những lần đầu, các em có thể còn ăn chậm, gấp chăn chưa đúng, chưa đẹp hay tự vệ sinh cá nhân còn vụng về,... nhưng sau nhiều lần tự làm, các em dần quen và tiến bộ' - cô Trà My cho biết.
Với tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo vượt qua bao khó khăn, thử thách và kiên trì với sự nghiệp 'trồng người'. Từ đó, nhiều thế hệ học trò được rèn đức, luyện tài và trở thành những người con ưu tú của quê hương./.
An Nhiên