Cô Lê Thị Thanh Thảo (Trường THCS&THPT Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) quan tâm hoàn cảnh của học sinh vùng biên
Người mẹ thứ hai
29 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo Ưu tú Bùi Thị Bích Ngọc - giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), vẫn ân cần quan tâm, hết lòng trong giáo dục HS, bởi tình yêu nghề, yêu mến HS.
Cô Ngọc chia sẻ: “Tôi thích nghề giáo khi còn rất nhỏ và quyết tâm trở thành cô giáo. Vì vậy, tôi nỗ lực học tập để chinh phục ước mơ. Gắn bó với nghề, tôi càng yêu thích bởi hiểu được vai trò, trách nhiệm lớn của GV với HS. Đó là truyền cảm hứng, đam mê học tập, góp phần định hướng, giúp các em có mục tiêu, ước mơ tương lai và phấn đấu học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành những người có ích cho xã hội”.
Cô Bùi Thị Bích Ngọc (Trường Tiểu học Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) thường xuyên quan tâm đến học sinh
Trong sự nghiệp “trồng người”, cô Ngọc dành sự quan tâm chân thành, yêu thương, tình cảm để dìu dắt, động viên, nhắc nhở các em học tập cũng như rèn luyện đạo đức để tiến bộ qua từng ngày. Cô thường xuyên dùng những câu chuyện kể từ sách vở đến thực tế để giáo dục các em, giúp các em rút ra những bài học ý nghĩa.
“Trường tiểu học được xem là “ngôi nhà chung” đầu đời của HS. Ở đó, GV như “người mẹ thứ hai”, dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng đầu tiên trong trường phổ thông, giúp trang bị cho các em một hành trang lớn để bước dần đến tương lai. Do vậy, tôi xem các em như con mình và thường đặt mình vào vị trí của các em để thấu hiểu, yêu thương các em hơn.
Dù các em chưa ngoan, tôi cũng không đánh. Thay vào đó, tôi muốn dùng tình cảm để uốn nắn, bởi các em còn nhỏ, ngây thơ, biết lắng nghe và cảm nhận được sự quan tâm chân thành nên chỉ cần kiên nhẫn thì có thể dùng lời nói để giúp đỡ các em tiến bộ” - cô Ngọc trải lòng.
Trong quá trình giảng dạy, cô Ngọc chú trọng thay đổi phương pháp, nhất là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của HS trong học tập. Cô thường cho HS hoạt động nhóm để cùng thảo luận, tìm hiểu kiến thức mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin;... nhằm tạo sự hứng thú học tập của HS. Với những câu hỏi, nội dung khó, cô Ngọc gợi mở để HS tự tìm ra câu trả lời, giúp phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của các em.
Phát huy năng lực, sở trường của học sinh
Dạy môn Mỹ thuật, Nhà giáo Ưu tú Châu Vũ Thúy Hằng - GV Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), xây dựng tiết dạy nhẹ nhàng, thú vị và chú trọng phát huy năng lực, sở trường của HS.
18 năm gắn bó với nghề, cô Hằng nỗ lực để truyền cảm hứng, sự đam mê môn Mỹ thuật cho HS. Trong quá trình giảng dạy, cô chú trọng vận dụng nhiều phương pháp mới, hay, hiệu quả, giúp các em yêu thích môn học và hứng thú với từng nội dung bài học.
Cô Châu Vũ Thúy Hằng (Trường THCS Nhựt Tảo, TP.Tân An) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy
Cô Hằng chia sẻ: “Trong điều kiện dạy học hiện nay, việc sử dụng các loại trò chơi vào hoạt động học tập là một phương pháp dạy học hiệu quả và được xem như một hình thức tổ chức dạy học mới, tích cực, cần phát huy thường xuyên trong các bài giảng. Việc xây dựng và tổ chức một số trò chơi vui, nhẹ nhàng theo yêu cầu kiến thức, kỹ năng ở HS là cần thiết để các em có thể tự học hoặc tham gia vào các trò chơi cùng bạn bè theo tinh thần học mà chơi, chơi mà học.
Trong thực tế dạy học, giờ học nào tổ chức trò chơi cũng đều tạo được không khí học tập hào hứng, thoải mái, vui nhộn; đồng thời, kích thích sự hứng thú và trí tưởng tượng cũng như sự phát triển trí tuệ của các em”.
Khi soạn giáo án điện tử, cô Hằng thường xuyên lồng ghép hoạt động chơi tương tác cho HS như đoán hình nền, ai tinh mắt hơn, trồng cây gây rừng, kéo thả, phòng tranh, xây dựng bố cục tranh,... giúp thay đổi hình thức, phương pháp dạy và học truyền thống; giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu để HS tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng khởi. Các em còn được rèn luyện thêm kỹ năng sử dụng tranh ảnh; phát huy năng lực, sở trường, sự tìm tòi, sáng tạo.
“Qua việc thiết kế và tổ chức trò chơi trong tiết dạy giúp kích thích HS vận dụng kiến thức, sự năng động để rèn luyện trí nhớ, phát triển khả năng phán đoán, suy luận, từ đó phát huy năng lực, sở trường trong môn học. Bên cạnh đó, các em phát triển tư duy độc lập, học tập cách xử lý thông minh các tình huống phức tạp, tăng cường khả năng vận dụng trong cuộc sống để thích nghi với điều kiện mới của xã hội” - cô Hằng chia sẻ thêm.
Hết lòng với học sinh vùng biên
Dạy học ở xã biên giới, Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Thanh Thảo - GV môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS&THPT Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), hiểu và thương cho những thiệt thòi của HS nên càng hết lòng, tận tâm trong công tác giảng dạy.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo, điều đó càng hun đúc tình yêu nghề, mến trẻ trong cô Thảo. 19 năm gắn bó với nghề, cô vẫn giữ lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề, đặc biệt là tình cảm, sự quan tâm chân thành dành cho HS.
Công tác tại xã biên giới, cô Thảo gặp không ít khó khăn như cơ sở vật chất, hoàn cảnh gia đình của HS,... Với mỗi khó khăn, cô nỗ lực khắc phục để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho HS vững bước hơn trên hành trình chinh phục tri thức.
Cô Lê Thị Thanh Thảo (Trường THCS&THPT Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) quan tâm bồi dưỡng cũng như củng cố kiến thức cho học sinh
Cô Thảo tâm sự: “Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị công nghệ hỗ trợ việc học. Do vậy, tôi tận dụng tối đa những gì có sẵn, nhất là sử dụng vật liệu tự nhiên để hỗ trợ giảng dạy. Một vấn đề lưu tâm nữa là HS có hoàn cảnh khó khăn và nhận thức của phụ huynh trong quan tâm việc học của các em chưa cao. Tôi thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tâm sự của HS, phụ huynh; đồng thời, tham gia vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em thuận lợi đến trường và phối hợp chặt chẽ phụ huynh trong nhắc nhở việc học của các em”.
Để giúp HS dễ hiểu và có hứng thú hơn trong học tập, cô Thảo áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp với tuổi và đặc thù của địa phương. Đó là phương pháp trực quan như tổ chức buổi thực hành, thí nghiệm để HS nhìn thấy được các hiện tượng xảy ra, từ đó nhớ bài lâu hơn; các trò chơi để tạo không khí thoải mái cho tiết học và giảm áp lực; hoạt động nhóm;...
Cô Thảo còn phát huy tinh thần tự học; chú trọng bồi dưỡng HS giỏi cũng như củng cố kiến thức cho HS chưa nắm chắc bài. Cô hướng dẫn các em kỹ năng tự học, giao bài tập nâng cao, tạo nhóm học tập, phụ đạo,... cho từng đối tượng HS, giúp các em ngày càng tiến bộ. Ngoài việc dạy kiến thức, cô Thảo còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS, xem đó là một phần quan trọng trong quá trình giảng dạy.
Dù dạy học ở vùng thuận lợi hay còn khó khăn, các thầy, cô giáo vẫn hết lòng, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”, để đồng hành, dìu dắt HS ngày càng tiến bộ, trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội./.
Ngọc Thạch