Dạy trẻ mầm non bằng tình yêu thương và trách nhiệm
Gần 20 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Quyên - giáo viên (GV) Trường Mầm non Hoa Sen (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), vẫn giữ trọn tình yêu nghề, mến trẻ và tận tâm trong công tác giảng dạy.
Cô Ngọc Quyên chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu dành cho trẻ, muốn được cùng chơi, cùng học và chứng kiến sự lớn khôn từng ngày của trẻ, tôi chọn nghề GV mầm non. Mặc dù nghề GV mầm non có vất vả nhưng bù lại là được chứng kiến sự hồn nhiên, vô tư của trẻ, giúp tôi tràn đầy năng lượng, bồi đắp sự yêu thương, ấm áp để chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Quyên - giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (huyện Đức Huệ), dạy trẻ qua các hoạt động học, chơi ngoài trời
Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, cô Ngọc Quyên không tạo áp lực hay áp đặt trẻ, giúp trẻ được tự do trải nghiệm, khám phá những kiến thức mới. Cô còn thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy trẻ làm trung tâm và sáng tạo trong làm đồ dùng, đồ chơi để tạo sự hứng thú và thu hút trẻ tham gia các hoạt động học, chơi.
Đặc biệt, cô Ngọc Quyên chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ. Cô Ngọc Quyên tâm sự: “Đầu năm học, trẻ thường chưa vào nền nếp hay có các kỹ năng cần thiết nên còn khóc, chưa biết cách ứng xử phù hợp. Đó cũng là tâm lý bình thường của trẻ. Do vậy, tôi luôn dịu dàng, dỗ dành để trẻ được an tâm khi đến lớp; đồng thời, thường xuyên trò chuyện, giáo dục trẻ mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện. Từ đó, trẻ ý thức được rằng đi học có bạn, có cô, được vui chơi nên có cảm giác an toàn hơn khi đến lớp”.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Quyên - giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (huyện Đức Huệ), thường xuyên dạy học trẻ ở không gian ngoài trời, tạo sự thoải mái cho trẻ
Song song đó, cô Ngọc Quyên giáo dục trẻ về cách ứng xử, giao tiếp, biết lễ phép, biết xin lỗi, cảm ơn và các kỹ năng sống cần thiết khi tổ chức các hoạt động học, chơi của trẻ trong lớp và ngoài trời. Nhờ vậy, trẻ hình thành thói quen tốt, phát triển kỹ năng sống và mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử cũng như tự lập hơn.
Với trẻ đặc biệt, cô Ngọc Quyên cũng có phương pháp riêng để chăm sóc, giáo dục các em. Cô Ngọc Quyên kể: “Lớp tôi hiện có trẻ khá hiếu động và cũng có trẻ còn thụ động. Đối với những trẻ này, tôi rất quan tâm và thường xuyên trò chuyện để lắng nghe và hiểu trẻ; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động phù hợp; luôn kiên nhẫn hướng dẫn để trẻ hiểu và thực hành cũng như hòa nhập tốt với các bạn trong mọi hoạt động học, chơi”.
Riêng những trẻ đặc biệt hơn, cô chú ý đến hành động, thói quen, lời nói của trẻ để có sự hỗ trợ kịp thời; đồng thời, sáng tạo trò chơi, đồ chơi phù hợp cho trẻ, nhất là các đồ chơi tư duy hoặc có các kỹ năng để thực hành. Cô cũng phối hợp phụ huynh để có sự chăm sóc tốt hơn cho trẻ, đặc biệt quan tâm, cùng chơi với trẻ, giúp trẻ dần thay đổi theo hướng tốt hơn.
Nhờ tận tâm và dạy bằng tình yêu thương, trách nhiệm, trẻ lớp cô Ngọc Quyên ngày càng tiến bộ, hứng thú và mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động trong lớp cũng như ngoài trời khi đến trường.
Người mẹ thứ 2 của học sinh
Tiếp nối truyền thống gia đình, Nhà giáo Ưu tú Huỳnh Thị Quyên - GV Trường Tiểu học Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa), chọn nghề GV. gần 30 năm gắn bó với nghề, cô như người mẹ thứ 2 và là “điểm tựa” vững chắc cho HS, giúp các em mạnh dạn, tự tin, phát huy năng lực, sở trường.
“Mới vào nghề, tôi có 4 năm công tác tại huyện Tân Hưng. Khi đó, điều kiện dạy và học cũng như đời sống GV còn rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa nước nổi nhưng chính tình yêu nghề và thương các em, tôi càng trân trọng và quyết tâm bám nghề, bám lớp” - cô Quyên thổ lộ.
Nhà giáo Ưu tú Huỳnh Thị Quyên - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa), luôn gần gũi, quan tâm học sinh
Trong quá trình giảng dạy, cô Quyên luôn chú trọng phát huy tính chủ động và năng lực, sở trường của HS. Cô thay đổi phương pháp giảng dạy, chú trọng dạy trực quan, sinh động và thường xuyên cho trẻ vấn đáp, tham gia xây dựng bài học thông qua sử dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học. Cô cũng thường xuyên lồng ghép giáo dục trẻ những kiến thức liên quan bài học, kể chuyện, gương thực tế cho HS dễ hiểu nội dung bài học.
“Tôi xây dựng đôi bạn học tập để các em giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tôi nhờ sự trợ giúp của HS giỏi trong lớp để cùng học với các em chưa hiểu bài nhằm tạo sự thoải mái, gần gũi và không tạo áp lực cho các em. Riêng HS còn yếu, tôi dành thời gian ra chơi hoặc sau giờ học để hướng dẫn kỹ lại nội dung bài học và phương pháp học hiệu quả cho các em” - cô Quyên chia sẻ.
Ngoài học trong lớp, cô còn tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoài trời như đọc sách, báo; chơi trò chơi dân gian; làm các mô hình học tập trong hoạt động giáo dục STEM,... nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo cho HS. Cô Quyên cũng đặc biệt quan tâm HS có hoàn cảnh khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em kịp thời.
Lựa chọn phương pháp giảng dạy hay, phù hợp
Tròn 20 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Bảo Trân - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), luôn nỗ lực hết mình “dìu dắt” HS ngày càng tiến bộ.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Bảo Trân - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc)
“Nghề GV như cái duyên định sẵn, bởi cha và 2 chị của tôi đều là GV nên tôi rất trân trọng và yêu quý nghề, nhất là yêu quý thầy cô của mình. Chính tình yêu mến HS, tôi càng yêu nghề hơn. Cho dù cuộc sống có vui, buồn thế nào, áp lực ra sao, khi đến lớp, tôi đều quên hết để tập trung vào công tác giảng dạy, hết lòng với HS” - cô Trân trải lòng.
Trong quá trình giảng dạy, cô Trân luôn chú trọng chọn phương pháp dạy học hay, phù hợp để phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HS.
Cô Trân chia sẻ: “Với tôi, mọi phương pháp giảng dạy đều có mặt tích cực, tuy nhiên, chúng ta cần phải chọn lọc và áp dụng từng đối tượng HS tùy thời điểm và theo mục tiêu giáo dục của chương trình. Để tạo hứng thú học tập cho HS, đặc biệt đối với các em đang tuổi vị thành niên, tôi linh hoạt khi giao tiếp và truyền đạt”.
Đối với HS, cô Trân vừa là cô giáo, vừa là “người bạn lớn”. Cô thường chia nhỏ các nhiệm vụ học tập, đi từ dễ đến khó nhằm giảm áp lực cho HS. Trên lớp, cô Trân quan sát để phát hiện kịp thời những khó khăn của HS và luôn lắng nghe, thấu hiểu để hỗ trợ, giúp đỡ và chọn phương pháp dạy học phù hợp với các em.
Với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngoài giảng dạy kiến thức, GV cần trang bị cho HS một số kỹ năng của thế kỷ XXI, trong đó có năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực hợp tác, năng lực tư duy phản biện, đặc biệt là năng lực tự học. Do vậy, cô Trân thường xuyên khai thác các kênh học liệu trực tuyến, phần mềm hỗ trợ việc học tiếng Anh miễn phí như BBC Learning English, English liveworksheets hoặc hướng dẫn HS khai thác các công cụ AI phục vụ việc tự học như Chatgpt, Poe, Gemini AI của Microsoft,…
Tận tâm, tận tụy và tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, những Nhà giáo Ưu tú không chỉ dạy học mà còn truyền cảm hứng, vun đắp cho sự trưởng thành của HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài cho quê hương, đất nước./.
|
Không quản ngại gian khổ, vượt khó để vận động học sinh đến lớp,... Đó là công việc thầm lặng của những giáo viên để cho con chữ được “nảy mầm” trên vùng đất khó.
|
An Nhiên