Tiếng Việt | English

14/07/2022 - 13:49

Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy

Để hạn chế những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, ngành chức năng, nhất là lực lượng chức năng trong tỉnh Long An tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm.

Với hệ thống kênh, rạch, sông ngòi chằng chịt, lưu lượng phương tiện giao thông đường thủy qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Long An có hệ thống giao thông đường thủy trải dài, kết nối với các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Trong đó, phải kể đến một số tuyến đường thủy quan trọng, lớn như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn, kênh Tháp Mười số 1, kênh Thủ Thừa,… Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, qua thống kê, tỉnh có 12 tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Quốc gia dài hơn 448km; 303 tuyến ĐTNĐ địa phương với chiều dài hơn 2.366km. Dọc bên hệ thống đường thủy có hàng trăm bến bãi, chủ yếu là tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh nhiên liệu và xay xát,...

Với đặc thù hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, nhiều bến bãi tập kết vật liệu lại nằm ở địa bàn tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ nên hàng ngày, lưu lượng tàu, thuyền, xà lan lưu thông qua lại chở hàng hóa rất lớn. Cũng từ hệ thống sông nước chằng chịt bao quanh, trải dài, toàn tỉnh hiện nay có 1 âu tàu, 188 cảng bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa, 161 cảng bến thủy nội địa chuyên dùng, 129 bến khách ngang sông, 2 cảng biển, 68 công trình vượt sông, 7 công trình ngầm.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh - Đặng Hoàng Tuấn, các lực lượng chức năng liên quan luôn xác định nhiệm vụ tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT ĐTNĐ. Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg, ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT ĐTNĐ trong tình hình mới càng tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường thủy từng bước có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về giao thông ĐTNĐ.

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 23, lực lượng cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến ĐTNĐ trọng điểm của tỉnh, phát hiện gần 13.000 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 12.000 trường hợp. Tỉnh tuyên truyền trực tiếp 5.520 cuộc cho 181.734 lượt thuyền viên, người làm việc trên phương tiện về quy tắc giao thông, điều kiện của phương tiện và người điều khiển phương tiện; tiến hành cho ký cam kết thực hiện pháp luật về giao thông với 443 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ĐTNĐ.

Mặt khác, toàn tỉnh xây dựng được 2 mô hình Tuyến sông an toàn; 2 mô hình Bến khách ngang sông văn hóa, văn minh, an toàn; 1 mô hình Bến thủy nội địa văn hóa, văn minh, an toàn; phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông ĐTNĐ, tuyên truyền trực tiếp với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên đường thủy và học sinh, sinh viên, người lái phương tiện,... về quy tắc, điều kiện tham gia giao thông ĐTNĐ, có 15.530 lượt người dự nghe; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông ĐTNĐ và tình trạng đuối nước ở trẻ em cho hơn 4.200 lượt giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Song song đó, công tác xây dựng văn hóa giao thông đường thủy cũng được chú trọng, đã tổ chức các cuộc tuyên truyền tập trung tại đơn vị cho 139 chủ bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh về Luật Giao thông ĐTNĐ và phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng bến khách để hoạt động, nâng cao ý thức cảnh giác trong việc phát hiện, tố giác tội phạm; đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề ra phương hướng chấn chỉnh, khắc phục về điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông. Từ đó, tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Giai đoạn từ năm 2017-2021, xảy ra tổng cộng 15 vụ TNGT ĐTNĐ, làm 15 người chết và 1 người bị thương.

Kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, qua kiểm tra, vẫn còn phát hiện những trường hợp vận tải đường thủy vi phạm liên quan đến chở quá tải. Một số vi phạm thường phát hiện như phương tiện hết hạn đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, hành khách đi qua các bến đò, bến phà nhưng không mặc áo phao, cũng có bến khách ngang sông hoạt động không phép,...

Theo đó, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; chở quá tải, số người quy định; vi phạm luồng, tuyến, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh; đưa phương tiện thủy không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật vào hoạt động; xử lý nghiêm thuyền viên, người lái phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp hoặc sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả,... Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra các bến khách ngang sông, bến bãi, các phương tiện lưu thông đường thủy về thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19; kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.

Để bảo đảm trật tự, ATGT ĐTNĐ, các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã chủ động có những phương án, kế hoạch cụ thể để phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm: Không đăng ký, đăng kiểm cho phương tiện; chở quá tải; vi phạm luồng, tuyến, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; các bến đò ngang hoạt động không phép;...

Ngoài ra, cảnh sát giao thông cùng lực lượng thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các bến bãi tập kết, vận chuyển hàng hóa để chấn chỉnh, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT. Đồng thời, rà soát hệ thống biển báo, hướng dẫn giao thông đường thủy để giải quyết những bất cập, hạn chế; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi lấn chiếm, cản trở giao thông đường thủy. Mục tiêu đề ra là hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường thủy, góp phần vào nỗ lực chung kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, người chết và bị thương./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết