Tiếng Việt | English

21/03/2022 - 11:40

Tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 139/2021/ NĐ-CP để thay thế NĐ số 132/2015/ NĐ-CP, ngày 25/12/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). NĐ số 139/2021 đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm.

Theo Nghị định 139, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đường thủy nội địa tăng so với nghị định trước đó

Theo Nghị định 139, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đường thủy nội địa tăng so với nghị định trước đó

Sau 5 năm thực hiện NĐ số 132/2015/ NĐ-CP cho thấy, các mức phạt của các hành vi vi phạm quy định tại NĐ này còn thấp, chưa phù hợp với sự phát triển KT-XH nên chưa đủ sức răn đe người có hành vi vi phạm. Đồng thời, mức phạt tại NĐ số 132/2015/NĐ-CP cũng thấp hơn nhiều so với mức phạt đối với cùng hành vi vi phạm được quy định tại các NĐ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực khác có liên quan như NĐ số 142/2017/NĐ-CP, ngày 11/12/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hàng hải, NĐ số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,...

Vì vậy, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành NĐ số 139/2021/NĐ-CP để thay thế NĐ số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25/12/ 2015 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ. NĐ số 139/2021/ NĐ-CP gồm 5 chương, 59 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. So với NĐ cũ thì NĐ số 139/2021 tăng 1 chương và 12 điều. NĐ số 139/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý chuyên ngành ĐTNĐ, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giao thông - vận tải ĐTNĐ.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, NĐ số 139/2021/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe, phù hợp với sự phát triển của KT-XH và với văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt VPHC có liên quan.

Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định (khoản 1, Điều 15). Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (khoản 1, Điều 16); hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện cũng bị phạt từ 1.000.000-2.000.000 đồng (Điều 34). Ngoài ra, mức phạt cao nhất đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn lên đến 35.000.000 đồng (Điều 21),...

NĐ số 139/2021/NĐ-CP cũng quy định bổ sung các hành vi vi phạm về xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện, công trình vượt qua luồng trên không, dưới đáy luồng, các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao nhằm đảm bảo phù hợp với nội dung NĐ số 08/2021/NĐ-CP, ngày 28/01/2021 quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ; NĐ số 48/2019/NĐ-CP, ngày 05/6/2019 về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước;...

Song song đó, NĐ số 139/2021/NĐ-CP còn bổ sung một số hành vi như “điều khiển phương tiện không tuân theo chỉ dẫn của báo hiệu ĐTNĐ hoặc chỉ dẫn của người điều tiết giao thông mà gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc làm hư hại đến các công trình trên ĐTNĐ” và quy định ở mức phạt tiền cao nhất do thực tiễn gần đây xuất hiện nhiều trường hợp phương tiện tham gia giao thông ĐTNĐ không tuân thủ đúng quy định chỉ dẫn, báo hiệu, gây đâm va, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng mà chưa có quy định xử phạt vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa.

NĐ số 139/2021/NĐ-CP cũng bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về đầu tư, khai thác khu neo đậu nhằm đảm bảo chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm đối với quy định tại NĐ số 08/2021/ NĐ-CP, ngày 28/01/2021 và phù hợp với thực tiễn khai thác loại hình dịch vụ này. Đồng thời, quy định xử phạt VPHC đối với trường hợp khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hết thời hạn hoạt động hoặc tổ chức cho phương tiện vào neo đậu bốc xếp hàng hóa, đón, trả hành khách tại các khu vực chưa được công bố, cấp phép hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hoạt động không phép, phá vỡ quy hoạch ngành, gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, NĐ số 139/2021/NĐ-CP còn quy định riêng 1 điều (Điều 42) để phân định rõ thẩm quyền xử phạt VPHC của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt để tránh chồng chéo và tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu, áp dụng. Đồng thời, NĐ có sự điều chỉnh lại hạn mức xử phạt đối với một số chức danh có thẩm quyền xử phạt nhằm bảo đảm sự tương thích với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC năm 2020./.

 Lê Đức

Chia sẻ bài viết