Tiếng Việt | English

30/11/2020 - 11:21

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại, hàng giả là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tỉnh Long An thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong các lĩnh vực này.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa

Hoạt động BL qua biên giới của tỉnh được kiềm chế, giảm mạnh theo từng năm. Một số địa bàn, luồng tuyến là điểm nóng về BL trước đây được lực lượng chức năng chốt chặn, triệt phá, đồng thời không để phát sinh, hình thành các tụ điểm, luồng tuyến BL mới.

Các đối tượng BL đầu nậu, vận chuyển thuê được các lực lượng lập danh sách, phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương quản lý, giám sát, tuyên truyền, vận động, cảm hóa dần dần từ bỏ BL và không tham gia hoặc tiếp tay cho BL. Những trường hợp này được các đoàn thể, chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn hoặc xin việc làm tại các công ty, xí nghiệp có thu nhập ổn định hơn.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An - Phạm Đức Chinh cho biết: "Hoạt động BL qua biên giới của tỉnh từ năm 2018 đến thời điểm hiện nay luôn được kiểm soát, kiềm chế giảm mạnh. So với trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 76/NQ-HĐND, ngày 28/12/2017 giảm từ 40-60%".

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn biên giới của tỉnh, một số đối tượng BL ngoài tỉnh câu kết, móc nối các đối tượng BL còn lại tại địa phương vận chuyển thuốc lá số lượng lớn.

Hoạt động BL diễn ra chủ yếu trên địa bàn huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường rồi vận chuyển vào thị trường nội địa đi các tỉnh, thành lân cận tiêu thụ. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu qua biên giới của tỉnh vẫn là thuốc lá điếu, rượu ngoại, đường cát, xe môtô phân khối lớn, hàng điện tử gia dụng đã qua sử dụng.

Ngoài các mặt hàng trên, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động BL ma túy các loại qua biên giới của tỉnh có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Các đối tượng BL ma túy vận chuyển với số lượng lớn và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động. Đồng thời, hoạt động nhập lậu heo qua biên giới của tỉnh thời điểm cuối năm 2019 và đầu năm 2020 cũng diễn ra khá phức tạp.

Đối với hoạt động chống gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng từng bước đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, những kết quả đã đạt vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.

Mặt hàng được làm giả, kém chất lượng chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thú y thủy sản với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, sản xuất và đời sống nông dân.

Trong lĩnh vực thuế, hải quan, các hành vi vi phạm khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan, vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm gia công dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khai thiếu số tiền thuế phải nộp; kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp; kê khai khấu trừ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn xảy ra khá phổ biến, làm thất thu ngân sách. Một số trường hợp vi phạm được phát hiện, xử phạt, ấn định thuế lên đến 10 tỉ đồng.

Ngoài ra, thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng lợi dụng sản xuất, tái chế mặt hàng khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế, găng tay y tế giả, không bảo đảm chất lượng; kinh doanh khẩu trang y tế, găng tay y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Đại tá Phan Văn Phúc - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thông tin, trong công tác chống BL vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối tượng BL thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện vận chuyển hàng lậu nên rất manh động, chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông.

Đối tượng BL tại địa phương câu kết với một số đối tượng BL ngoài tỉnh (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,...), sử dụng xe ôtô vận chuyển thuốc lá ngoại số lượng lớn. Hoạt động của các đối tượng BL chủ yếu vào ban đêm từ 21 giờ đến 3 giờ sáng nên gây khó khăn cho lực lượng ngăn chặn, bắt giữ. Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, cho biết: “Các đối tượng BL tổ chức canh đường, cảnh giới và điều chỉnh phương thức, thay đổi luồng tuyến địa bàn thường xuyên, hoặc lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động”.

Mặt khác, trang thiết bị, phương tiện của một số lực lượng cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, tình hình thực tế hiện nay. Chẳng hạn, các đối tượng BL hiện nay sử dụng chủ yếu xe ôtô để vận chuyển hàng cấm, nhập lậu nhưng lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống BL (một số đội quản lý thị trường, công an các xã biên giới, đội cảnh sát kinh tế các huyện), chỉ được trang cấp xe môtô 2 bánh, chưa được trang bị xe ôtô chuyên dụng. Vì vậy, việc bắt giữ, ngăn chặn các đối tượng BL của các lực lượng này đạt hiệu quả không cao.

Tiêu hủy thuốc lá lậu

Tiêu hủy thuốc lá lậu

Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu rất cao. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BL, vận chuyển thuê đều có hoàn cảnh kinh tế, gia đình khó khăn nên không thể thi hành được quyết định xử phạt. Do đó, số quyết định chưa thi hành đối với các trường hợp này phần lớn chưa thực hiện.

Trong khi đó, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hiện trên thị trường có hàng ngàn danh mục tên phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, hàng trăm đơn vị sản xuất, sang chiết, đóng gói, nhập khẩu được cấp giấy phép hoạt động.

Trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp sản xuất, sang chiết, nhập khẩu, đóng gói, gần 1.000 cơ sở, đại lý kinh doanh. Với số lượng danh mục mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nêu trên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Mặt khác, việc lấy mẫu thử nghiệm còn nhiều bất cập, khó khăn, thời gian thử nghiệm mẫu quá dài (từ 1-2 tuần) đến khi có kết quả nếu phân bón không đạt chất lượng thì cơ sở kinh doanh đã bán hết hàng hóa./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết