Tâm lý “chuộng” con trai
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS là định kiến và tâm lý thích con trai của nhiều gia đình. Mặc dù ngày nay, xã hội đề cao vai trò của phụ nữ, các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện công tác bình đẳng giới nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại.
Cộng tác viên dân số tuyên truyền cho người dân những hệ lụy của MCBGTKS
Theo thống kê của ngành Dân số tỉnh, địa phương có tỷ lệ MCBGTKS cao là Đức Huệ và Tân Hưng, tỉnh Long An. Thời gian qua, mặc dù Tân Hưng triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu MCBGTKS nhưng tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn cao (125 nam/100 nữ). Toàn huyện có 6 xã có tỷ lệ giới tính chênh lệch từ 110 - 280 nam/100 nữ: Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu, Vĩnh Thạnh, Hưng Hà, Hưng Điền và Hưng Điền B. Các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đa số rơi vào hộ có con một bề là gái muốn tìm thêm con trai để “nối dõi tông đường”.
Chị Thiều Thị Thoa, ngụ ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, bày tỏ: “Nhà tôi có 2 bé gái, biết là dừng lại ở 2 con thì việc nuôi dạy sẽ tốt hơn nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm con”.
Không chỉ các cặp vợ chồng có con gái muốn sinh thêm con trai mà ngay cả cặp vợ chồng mới cưới cũng mong muốn sinh con trai đầu lòng. Ngoài yếu tố tâm lý “chuộng” con trai, một số hộ gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế lại muốn có nhiều con. Nhiều người vẫn còn đặt nặng tư tưởng “nhà đông con là nhà có phúc”.
Tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức người dân
Ngày nay, với nhiều phương pháp, các cặp vợ chồng có thể sớm biết giới tính thai nhi, phổ biến nhà là siêu âm. Do đó, một số người lạm dụng các dịch vụ để chọn lựa giới tính cho con: Sàng lọc tinh trùng, siêu âm, canh ngày rụng trứng,… Đây là việc làm trái với quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng trên thực tế, ngành chức năng vẫn chưa kiểm soát hết được.
Trước thực trạng trên, ngành Dân số các địa phương tăng cường lồng ghép tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, vận động các cặp vợ chồng không can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi và nên sinh đủ 2 con.
Tại Tân Hưng, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp các xã, thị trấn tổ chức hội thảo chuyên đề về kiểm soát MCBGTKS; xây dựng xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đưa chính sách dân số vào quy ước ấp, khu phố. Huyện còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho 168 cộng tác viên DS-KHHGĐ trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc thực hiện MCBGTKS trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Chị Lý Thị Hiền - Cộng tác viên Dân số ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Khó khăn nhất là tuyên truyền, vận động những gia đình sinh con một bề có nguy cơ sinh con thứ 3, nhất là những trường hợp sinh con một bề là gái. Công tác tuyên truyền, xử phạt cũng được thực hiện nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng phải có bằng được con trai. Hơn nữa, với những gia đình khá, các cặp vợ chồng có điều kiện tiếp cận kỹ thuật cao trong lựa chọn giới tính thai nhi, khiến cho sự chênh lệch giới tính ngày càng tăng”.
Không chỉ Tân Hưng mà các địa phương khác cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện kiểm soát MCBGTKS. Tại huyện Đức Huệ, công tác thông tin, tuyên truyền nhiều nơi chưa được thường xuyên, chưa sâu sát đến từng cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc kiểm soát MCBGTKS,… Kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên còn hạn chế. Kết quả xây dựng mô hình xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên không đồng đều ở các địa phương. Do đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhưng chưa đồng đều, một số địa phương tỷ lệ này vẫn còn cao. Trong đó, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây từ đầu năm 2017 đến nay có đến 8 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Đây là vấn đề nan giải cần được quan tâm. Việc xử lý người vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ 3 trở lên) chưa có biện pháp chế tài, chưa đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Vì vậy, tỷ lệ MCBGTKS còn cao (127nam/100 nữ).
Dù gái hay trai chỉ 2 là đủ, các cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Huệ - Huỳnh Văn Tèo cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá việc đưa nội dung chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố. Định kỳ 6 tháng, ngành Dân số phối hợp tổ chức kiểm điểm tình hình thực hiện quy ước tại địa bàn dân cư và tuyên dương các cá nhân thực hiện tốt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp Phòng Y tế huyện kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, rất cần có sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân. Trong xã hội hiện đại ngày nay, quan niệm có con trai để “nối dõi tông đường” không còn phù hợp nữa. Vì thế, các cặp vợ chồng nên để quá trình sinh đẻ diễn ra một cách tự nhiên. Bởi, việc sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi vừa ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ vừa là hành vi pháp luật nghiêm cấm./.
Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Thạc sĩ Trần Thị Liễu thông tin: “Tại Long An, tỷ lệ giới tính khi sinh đến nay là 108,7 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ. Như vậy, so với năm 2016, tỷ lệ giới tính khi sinh tăng 0,2 điểm %, so với chỉ tiêu Tổng cục DS-KHHGĐ định hướng cho Long An là không tăng quá 0,5 điểm %.
Mặc dù đang kiểm soát được tỷ lệ giới tính khi sinh, nhưng việc đưa tỷ lệ này về mức tự nhiên (103-106 nam/100 nữ) là việc làm rất khó, ngành Dân số các địa phương cần tập trung vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng đẩy mạnh giáo dục trong và ngoài nhà trường về chính sách, pháp luật liên quan đến DS-KHHGĐ, giới và bình đẳng giới trong đời sống gia đình; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. |
Ngọc Mận-Huỳnh Hương