Tiếng Việt | English

06/11/2017 - 10:34

Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ

Ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Long An tăng cường kiểm tra, giám sát các lò giết mổ gia súc, gia cầm (GS, GC), nhất là heo, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) khi cung cấp thịt ra thị trường.

Heo bệnh tại lò giết mổ

Để bảo đảm ATTP tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, từ đầu năm 2017, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, phương pháp thực hiện. Ngoài việc có cán bộ chăn nuôi và thú y luôn trực 24/24 tại đây, ngành tăng cường thanh tra các cơ sở để kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm trước khi đưa vào giết mổ; giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng bơm nước, mổ lậu, sản phẩm thịt GS, GC trước khi xuất bán ra thị trường phải có dấu kiểm định của ngành.


Cán bộ thú y và chăn nuôi kiểm tra sản phẩm trước khi cung cấp ra thị trường

Tuy cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng tình trạng GS, GC bị bệnh, nhất là trên heo (chủ yếu bệnh lở mồm long móng) vẫn xuất hiện tại một số lò giết mổ trên địa bàn. Tại Cơ sở giết mổ Long Hiệp (huyện Bến Lức), cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y qua kiểm tra lâm sàng phát hiện nhiều heo nghi ngờ bệnh lở mồm long móng. Qua đó, ngành tiến hành xét nghiệm, tiêu hủy 19 con heo và kiểm tra toàn bộ số lượng heo của cơ sở để bảo đảm an toàn trước khi đưa vào giết mổ. Được biết, Cơ sở giết mổ Long Hiệp mỗi ngày giết mổ khoảng 500 con heo cung cấp ra thị trường, chủ yếu tại TP.HCM.

Qua kiểm tra Cơ sở giết mổ Cẩu Kim Ân (huyện Cần Giuộc), ngành chức năng phát hiện 16 con heo nghi ngờ bị bệnh lở mồm long móng, lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành xử lý số heo bệnh và kiểm tra kỹ toàn bộ số heo của cơ sở trước khi giết mổ để bảo đảm an toàn theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trên địa bàn tỉnh có hơn 40 cơ sở giết mổ GS, GC được cấp phép, với quy mô khác nhau. Các sản phẩm GS, GC không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn bán ra các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là TP.HCM. Nguồn gốc của GS, GC không chỉ trong tỉnh mà còn ở một số tỉnh khác: Đồng Nai, Tiền Giang...

Cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng (ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) mỗi đêm giết mổ khoảng 500 con heo cung cấp ra thị trường. Không chỉ có cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực kiểm tra mà chủ cơ sở còn lắp đặt camera tại nơi nhập và xuất sản phẩm để cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động. Chủ cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng - Phan Thanh Lâm chia sẻ: “Thời gian hoạt động của cơ sở từ 20 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Cơ sở rất chú trọng ATTP, GS có nguồn gốc rõ ràng, được cán bộ chăn nuôi và thú y kiểm tra kỹ. Sau khi giết mổ, kiểm tra lần 2, bảo đảm đạt tiêu chuẩn mới đóng dấu kiểm định. Chúng tôi yêu cầu thương lái phải làm hợp đồng về việc bảo đảm nguồn gốc heo khi nhập về lò mổ”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Công tác kiểm tra tại các lò giết mổ luôn được ngành thực hiện nghiêm túc, đặc biệt, sau khi tiếp nhận thêm lượng heo từ TP.HCM nhập về. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành phối hợp kiểm soát chặt chẽ, không lơ là, nhằm bảo đảm ATTP trước khi ra thị trường. Chi cục tuyên truyền, hướng dẫn chủ các cơ sở vệ sinh lò mổ, xung quanh khu vực và tiến hành lắp đặt camera giám sát tại một số lò mổ (chủ yếu đối với lò mổ cung cấp thịt heo cho thị trường TP.HCM). GS,GC trước khi giết mổ được ngành kiểm tra lâm sàng về các loại bệnh dịch. Sau khi giết mổ, sản phẩm được kiểm tra trở lại lần hai trước khi đóng dấu kiểm định của ngành. Bên cạnh đó, Chi cục yêu cầu các chủ lò thực hiện đúng quy định: Chủ lò phải có hợp đồng với các thương lái về việc bảo đảm nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, chi cục tăng cường cán bộ trực tại các cơ sở giết mổ, tập trung trên địa bàn 2 huyện: Bến Lức, Đức Hòa”.

Thời gian qua, Chi cục kiểm tra phát hiện nhiều heo nghi ngờ bị bệnh lở mồm long móng tại một số cơ sở giết mổ trên địa bàn và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, luật chưa có quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi nhập heo bệnh nên ngành khó khăn trong việc xử lý các thương lái nhập heo bệnh từ nơi khác về - ông Châu thông tin thêm./.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giết mổ GS, GC được cấp phép hoạt động, 7 cơ sở được lắp đặt camera để kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động. Tháng 9/2017, ngành chức năng phát hiện gần 50 con heo bị bệnh lở mồm long móng tại các lò mổ thuộc huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức, Đức Hòa và tiến hành xử lý theo quy định. Hiện nay, các cơ sở giết mổ trong tỉnh giết mổ khoảng 1.500 con heo/ngày, đêm. Sau khi tiếp nhận heo từ TP.HCM, giết mổ trên 3.000 con/ngày, đêm.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết