Tiếng Việt | English

25/10/2021 - 10:30

Tăng cường xử lý vi phạm quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá chưa có xu hướng giảm và đang có sự chuyển đổi hình thức sử dụng. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Uyên có những chia sẻ về việc phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh được triển khai bằng những hình thức nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Từ năm 2015, tỉnh bắt đầu nhận sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL về kinh phí cũng như chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác PCTHTL. Đây là tiền đề, nguồn lực quan trọng để tỉnh đạt những kết quả như hôm nay mặc dù còn nhiều vấn đề cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, sự nỗ lực hơn nữa của cộng đồng trong thời gian tới.

Năm 2015, hầu như công tác PCTHTL còn rất mới mẻ và lạ lẫm đối với rất nhiều người. Nhưng từ đó đến nay, thông qua các hoạt động truyền thông đại chúng trên báo, đài, tuyên truyền trực quan, các tài liệu in ấn, truyền thông trực tiếp như tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hội thi trong học sinh (HS), sinh viên, Đoàn Thanh niên, các lớp tập huấn,... đặc biệt là hoạt động giám sát, hỗ trợ đã giúp nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế chuyển biến rõ rệt về PCTHTL và đồng lòng xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang làm việc tại Trung tâm Y tế TP.Tân An (Ảnh tư liệu)

PV: Bà có thể chia sẻ cụ thể về một số kết quả đã đạt trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Về PCTHTL trong trường học, chúng tôi tổ chức các buổi truyền thông về THTL cho giáo viên, HS, tổ chức hội thi vẽ tranh cho các em với quy mô toàn tỉnh, tổ chức tập huấn cho ban chỉ đạo PCTHTL, nhóm cán bộ nòng cốt của các trường học trong tỉnh về cách thức xây dựng trường học không khói thuốc lá,...

Chính nhờ những hoạt động này mà tỷ lệ hút thuốc lá trong giáo viên ở các trường giảm hẳn. Điều này trở thành tấm gương để HS noi theo, đặc biệt là HS khối lớp 8 trở lên - lứa tuổi rất dễ bắt chước, tập tành điều mới lạ, dễ bị bạn lôi kéo.

Bên cạnh đó, các trường cũng quan tâm trang bị cho HS các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc người khác, vận động các em nói không với thuốc lá, tạo cho các em thói quen nhắc nhở không hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; bảo vệ bạn bè, người thân khỏi tác hại của hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Phụ huynh cũng được chia sẻ về THTL và ký cam kết cùng nhà trường giám sát, không để các em tập tành sử dụng thuốc lá dù ở bất kỳ hình thức nào như nhai, hút, ngửi, ngậm,...

Một số trường còn trích kinh phí để tổ chức nhiều hoạt động cho HS như Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” cho HS tìm hiểu về THTL. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, Trường THCS Thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) cho HS kể chuyện về THTL. Trường THCS Tân Chánh (huyện Cần Đước) tổ chức Hội thi tuyên truyền về PCTHTL trong HS.

Ngoài tài liệu truyền thông được cấp, Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An) còn tự thiết kế, in ấn thêm một số tài liệu trực quan, treo ở những nơi HS thường qua lại; cho HS viết cảm nghĩ sau khi nghe buổi truyền thông về THTL. Trường THCS Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) lắp camera giám sát việc không sử dụng thuốc lá trong trường học. Trường THCS Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ) tổ chức hội thi vẽ tranh bằng nguồn kinh phí của trường,...

PV: Công tác PCTHTL của tỉnh có những thuận lợi nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Đó là được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và các đơn vị, trường học tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực hiện các hoạt động PCTHTL. Hầu hết các đơn vị có thành lập ban chỉ đạo PCTHTL, xây dựng kế hoạch năm và tổ chức thực hiện.

Các hình thức thường thực hiện là tổ chức ký cam kết từ đầu năm; truyền thông PCTHTL lồng ghép các cuộc họp giao ban, sinh hoạt dưới cờ, ngày pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa. Đa số đơn vị đều niêm yết nội quy, đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế vào quy chế nội bộ, tiêu chí thi đua, bình xét cá nhân, tập thể. Treo bảng cấm hút thuốc lá ở những nơi quy định: “Cơ quan không khói thuốc lá”, “Bệnh viện không khói thuốc lá”, “Ngôi trường không khói thuốc lá”,...

Các cơ sở y tế, các góc giáo dục sức khỏe được treo các áp phích, tờ rơi về THTL và lồng ghép nội dung này trong các buổi truyền thông trực tiếp; phân công bảo vệ nhắc nhở người thăm nuôi và bệnh nhân không được hút thuốc lá trong bệnh viện.

Đoàn công tác của Bộ Y tế giám sát tại Sở Công Thương (Ảnh tư liệu)

PV: Bà cho biết những tồn tại, hạn chế trong việc PCTHTL của tỉnh qua các đợt giám sát?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Đó là nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch chưa đạt yêu cầu. Nhiều UBND xã chưa thành lập ban chỉ đạo PCTHTL, chưa đưa nội dung này vào kế hoạch, báo cáo của đơn vị. Đây là nhóm có nhiều đơn vị không đạt yêu cầu của các đợt giám sát.

Hầu hết đơn vị có tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCTHTL. Tuy nhiên, hình thức chưa đa dạng, mỗi buổi lại đưa ra quá nhiều nội dung làm người nghe khó theo dõi dẫn đến hiệu quả không cao.

Việc giám sát các hoạt động PCTHTL của chính quyền địa phương, trường học, bệnh viện chưa tốt, chưa có hồ sơ chứng minh hoạt động này, do đó hiệu quả chưa như mong muốn. Vẫn còn tình trạng có nhiều mẩu tàn thuốc lá tại khuôn viên đơn vị, nhất là UBND xã.

Việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, chủ yếu nhắc nhở là chính nhưng cũng không thường xuyên. Nguyên nhân là người dân ở vùng sâu, vùng xa còn thói quen hút thuốc lá mọi lúc, mọi nơi, việc nhắc nhở thường làm người dân không hài lòng.

Bên cạnh đó, cán bộ cũng ngại va chạm vì sợ người dân chấm điểm không hài lòng về kỹ năng giao tiếp và không hợp tác trong các hoạt động khác. Ngoài ra, lãnh đạo UBND cấp xã chưa quan tâm, chưa có nhiều kiến thức về THTL, Luật PCTHTL cũng như không có nhiều hoạt động để phổ biến những kiến thức này.

Riêng ở các cơ sở y tế, việc xử phạt các trường hợp hút thuốc lá cũng rất khó khăn. Lực lượng bảo vệ thì mỏng, phải túc trực ở các điểm như cấp cứu, khoa khám bệnh, cổng ra vào,... nên không thể quán xuyến hết mọi nơi. Biện pháp từ chối chữa trị, tiếp xúc cũng không thể áp dụng.

Tuy nhiên, so với đợt giám sát năm 2019 trở về trước thì hiện tượng hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện có giảm. Đa số bệnh nhân, thân nhân biết là không được phép hút thuốc lá và lực lượng bảo vệ cũng cương quyết hơn trong nhắc nhở, xử lý trường hợp vi phạm. Nhiều đơn vị thiếu biển cấm hút thuốc lá, tài liệu truyền thông để treo, dán ở những nơi quy định.

PV: Năm 2021 và 2022, hoạt động PCTHTL có gì khác so với những năm trước, thưa bà? 

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Giai đoạn 2021 - 2022, các hoạt động về PCTHTL sẽ được mở rộng, phát triển trên cơ sở những hoạt động đã triển khai trong thời gian qua. Đặc biệt, từ năm 2021, ngoài giám sát việc thực thi Luật PCTHTL, Chỉ thị 14 của UBND tỉnh, UBND tỉnh còn kiểm tra việc thực hiện Nghị định 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này thay thế hoàn toàn cho Nghị định 176 kể từ ngày 15/11/2020.

Trong 6 - 7 năm qua, chúng ta đã tổ chức tuyên truyền, truyền thông, vận động là chính mà chưa đặt nặng vấn đề xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để luật và các văn bản quy định dưới luật đi vào cuộc sống cũng như bảo vệ quyền lợi của những người không sử dụng thuốc lá, kể từ năm 2021 trở đi, UBND tỉnh sẽ thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm theo như cam kết với Đoàn giám sát của Bộ Y tế khi làm việc với tỉnh Long An vào đầu năm 2021.

Năm 2021, chúng ta tập trung 3 mục tiêu sau: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về THTL, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện; tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc lá, cai nghiện thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá; tăng cường năng lực cho cán bộ kiểm tra, công an và các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật PCTHTL.

PV: Xin cảm ơn bà!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết