Tiếng Việt | English

21/09/2017 - 17:03

Tăng lương tối thiểu nhưng đời sống công nhân không tăng

Thông tin vào năm 2018, mức lương tối thiểu của công nhân (CN) được tăng lên. Tuy nhiên, hầu hết CN trên địa bàn Long An đều không vui vì phía sau câu chuyện tăng lương vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Chỉ mong tăng ca

Anh Huỳnh Văn Tâm - CN Công ty Lê Long (huyện Bến Lức), thoáng buồn: “Tôi ở Quảng Bình, vợ tôi ở An Giang, chúng tôi đến Long An làm CN với tổng thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng vừa phải nuôi 2 con nhỏ, vừa trang trải các chi phí khác. Ngoài việc tiết kiệm đến mức tối đa, chúng tôi chỉ mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập”.

 Công nhân Công ty Shilla Bags trong giờ làm việc

Chị Nguyễn Thùy Linh, thuê nhà trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tâm sự: “Vợ chồng tôi đến Long An làm CN được gần 3 năm. Từ khi có con, do không có người chăm sóc nên tôi phải nghỉ làm, ở nhà giữ con. Chỉ còn 1 đầu lương nên chồng tôi phải thường xuyên tăng ca để có tiền trang trải cuộc sống”.

Năm trước, được tăng lương theo lương tối thiểu của Nhà nước và tiền thâm niên tăng 5%, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm và anh Lê Trung Kiên - CN Công ty TNHH Aden Services VN (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) có thêm 500.000-600.000 đồng/tháng. Thế nhưng, khi lương tăng thì hàng trăm thứ tăng theo, từ tiền nhà, tiền điện, nước, gạo, thực phẩm,... đến tiền gửi con. Thế nên năm nay, khi nghe thông tin được tăng lương vào cuối năm, anh chị cũng không thấy vui vì “Lương tăng không đủ bù trượt giá” - chị Thắm cho biết.

Tăng lương nhưng đời sống không thay đổi

Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành, lương tối thiểu phải đáp ứng mức nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng thực tế, với mức thu nhập bình quân của CN, lao động hiện nay, việc tăng lương không làm thay đổi cuộc sống của họ.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “Hiện nay, thu nhập của CN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mức sống tối thiểu. Đáng ra, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, thì phải điều chỉnh lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nhưng thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu điều chỉnh ngay thì doanh nghiệp (DN) sẽ gặp khó khăn nên Chính phủ đề nghị tăng lương có lộ trình. Qua nhiều lần tăng lương tối thiểu, đến nay, lương vẫn chưa bằng mức sống, nhất là đối với CN, lao động”.

Để đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2018 thì mức tăng lương tối thiểu vùng phải đạt từ 13-13,5%. Hiện tại, đời sống CN thấp, nếu không tăng lương, giảm áp lực công việc thì họ sẽ phản ứng, mà đỉnh điểm chính là các cuộc đình công sẽ diễn ra.

Nhà ăn được đầu tư bếp ăn sạch sẽ

Chị Nguyễn Thị Lệ Thu - CN Công ty FuLuh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Khi lương tăng, thì tiền đóng bảo hiển xã hội, công đoàn phí cũng tăng lên. Còn nữa, chỉ mới có thông tin tăng lương, giá cả ngoài thị trường tăng trước nên đời sống CN không thay đổi”.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Shilla Bags (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) - Lê Công Lập cho biết: “Mức sống, giá cả sinh hoạt giữa TP.HCM và Long An không có sự chênh lệch nhiều (vì Long An giáp TP.HCM, giá cả mọi mặt hàng đều rất cao). Nếu không có các khoản phụ cấp, hỗ trợ thêm từ DN thì CN khá chật vật với tiền lương tối thiểu. Với vai trò của mình, tôi luôn đề xuất ban giám đốc tăng các khoản phụ cấp, tiền chuyên cần, tiền ăn,... góp phần hỗ trợ CN. Tôi nghĩ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 16% vào năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là hợp lý”.

Thực tế cho thấy, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng tạo ra áp lực cho không ít DN. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa, chủ yếu làm sản phẩm gia công cho các thương hiệu lớn, lợi nhuận không cao nên việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho những DN này. Nhưng nếu nhìn nhận khách quan hơn, người lao động là yếu tố quyết định sự phát triển vững bền của DN, nên khi đời sống ổn định thì người lao động mới an tâm làm việc./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích