Bloomberg dẫn số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 26-12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,01% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước và kinh tế tăng trưởng 6,68% trong năm 2015, vượt mục tiêu 6,2% của Chính phủ, cao hơn ước tính 6,6% trong khảo sát của Bloomberg.
Trong năm 2015, xuất khẩu tăng 8,1%, đạt 162,4 tỷ USD, với 71% đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; doanh số bán lẻ tăng 9,5%; sản xuất công nghiệp tăng 9,8%; sản xuất tăng 10,6%; đầu tư nước ngoài đã giải ngân tăng 17,4%, lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD, và đầu tư nước ngoài đã cam kết tăng 12,5%...
Nhu cầu mua sắm trong nước tăng. Ảnh chụp tại chợ Bến Thành, TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Những số liệu trên được Bloomberg nêu ra và dẫn lại tuyên bố ngày 5-12 tại Hà Nội của Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Jonathan Dunn, rằng "tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt được đà và đang được hỗ trợ bởi cả xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn nhu cầu trong nước".
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá giữa đồng VND và USD để thúc đẩy xuất khẩu sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ mạnh nhất trong 2 thập niên để hỗ trợ nền kinh tế.
Bloomberg nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 có thể ở mức cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2015 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Cập nhật mới nhất báo cáo ADB đầu tháng 12-2015 cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á đạt tăng trưởng 5,8% trong năm 2015 và 6% trong năm 2016, khi nền kinh tế khu vực này tiếp tục vượt trên nền kinh tế vẫn suy yếu ở các nước phát triển. Báo cáo đánh giá triển vọng tăng trưởng các nước Đông Nam Á là 4,4% cho năm 2015 và 4,9% cho năm 2016./.
Thiện Nguyễn/Theo sggp.org.vn