Công đoạn đóng gói sản phẩm tại HTX RAT Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.800ha rau màu các loại, trong đó, diện tích sản xuất tập trung nhiều nhất ở các huyện: Cần Giuộc 1.725ha, Cần Đước 700ha, Vĩnh Hưng 423ha, Tân Hưng 114ha,... Hiện nay, cả tỉnh có 13 HTX sản xuất rau, trong đó, có 3 HTX rau an toàn: Phước Hiệp, Phước Hòa và Long Khê với hơn 150 xã viên, sản xuất gần 120ha. Mỗi ngày, trung bình, các HTX cung cấp cho thị trường hơn 6 tấn rau các loại. |
Chưa có lòng tin với rau an toàn
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc: Hiện nay, phần đông người nội trợ chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm rau an toàn. Nhiều người không chọn mua rau an toàn vì giá cả cao hơn nhiều, dù biết rau an toàn tốt cho sức khỏe. Nhưng điều quan trọng là người tiêu dùng chưa thực sự tin cậy về chất lượng của các sản phẩm rau an toàn trên thị trường.
Còn bà Lê Thị Kim Loan, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Tân An cho rằng: “Hằng ngày đi chợ, tôi chỉ chọn mua theo cảm tính những loại rau nhìn có vẻ... an toàn thôi. Thực sự bằng mắt thường không thể phân biệt được. Vẫn biết rằng, mua rau an toàn thì yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhưng người nội trợ vẫn phải mua các loại rau ở chợ mà hiện nay, ở chợ phường 3 và các chợ trên địa bàn TP.Tân An hầu như chưa có nơi nào chuyên bán các loại rau an toàn. Vấn đề khó nhất của rau an toàn là phải có thị trường tiêu thụ bền vững. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các loại hình dịch vụ này phát triển. Cần phát huy vai trò của các địa phương để quy hoạch vùng sản xuất, tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo thị trường, niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn”.
Tăng cường quản lý sản phẩm rau an toàn
Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay, sản phẩm rau an toàn vẫn khó cạnh tranh với rau không an toàn trong cuộc chạy đua về giá cả, do giá thành của sản phẩm này cao hơn nhiều, lại phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng lại chưa biết đến rau an toàn, và cũng chưa có hệ thống phân phối, bán lẻ đáng tin cậy hay thông tin cần thiết để tạo lòng tin cho người tiêu dùng,...
Nông dân trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh cho biết: " HTX sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Do rau an toàn bảo đảm ATVSTP, không có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Hiện hằng ngày, HTX cung cấp ra thị trường TP.HCM khoảng 1 tấn rau các loại, riêng Siêu thị Co.opMart mỗi ngày cũng ký hợp đồng thu mua khoảng 600kg. Tất cả các sản phẩm HTX cung ứng đều có giấy chứng nhận. Do bán ở chợ đầu mối, vào siêu thị nên giá thành rau an toàn cao hơn rau thông thường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Chúng tôi chỉ có thể tự dán tem Rau an toàn Phước Hiệp đối với những thùng rau lớn vài chục kilôgam chứ không thể kiểm soát được việc người mua sau đó xé lẻ ra bán đến tay người tiêu dùng như thế nào, họ có trộn rau bẩn vào không, điều này không thể kiểm soát được. Chúng tôi mong có được một chợ đầu mối chuyên bán rau an toàn để sản phẩm của HTX được đánh giá đúng về chất lượng và giá trị".
Chị Nguyễn Kim Nga, ngụ phường 2, TP.Tân An nói: “Thực sự rau an toàn chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng do một số HTX, doanh nghiệp làm ăn bất chính, trộn rau an toàn với rau thường, sau đó bán ra với giá cao. Thêm vào đó, rau an toàn còn quá ít về chủng loại, chưa tạo được sự quan tâm đối với người tiêu dùng”.
Theo Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng: “Để rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi hướng dẫn xã viên sản xuất theo quy trình, thời gian dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, bảo đảm cho ra sản phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời giữ vững thương hiệu của HTX. Hiện mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tấn rau các loại. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen trong việc mua thực phẩm, trong đó có rau. Bởi, tâm lý chung, người nội trợ cứ ra chợ thấy rau nào tươi tốt, giá rẻ là mua chứ ít quan tâm đến loại rau đó có an toàn hay không?”.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Phạm Văn Đấu: “Để tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng về rau an toàn, các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ các loại hóa chất trong trồng trọt, đặc biệt là các loại thuốc kích thích tăng trưởng nhằm ngăn chặn ô nhiễm trong sản xuất và sau thu hoạch. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất; doanh nghiệp phải cùng nông dân chia sẻ những khó khăn khi giá rau xuống thấp, bảo đảm các bên cùng có lợi. Ngoài ra, nông dân cần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng đúng các quy trình sản xuất rau an toàn nhằm tạo uy tín, thương hiệu. Từ đó, việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn”. |
Song Hồng