Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được tổ chức vào tháng 6, cùng thời điểm Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có những chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ban hành, thể hiện sự quan tâm về thực hiện quyền trẻ em. Tuy vậy, thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục vẫn diễn ra, đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn nạn này có chiều hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Những hành vi vi phạm trẻ em trở thành vấn đề nóng cần được các cơ quan thẩm quyền tích cực vào cuộc xử lý, ngăn chặn.
Trên các phương tiện thông tin, chúng ta có thể thấy những hình ảnh đau lòng khi các bé bị các “bảo mẫu” có những hành vi xúc phạm, đánh đập, dội nước vào mặt,... hay như những “yêu râu xanh” xâm hại tình dục những bé gái. Các vụ việc trên, mà nạn nhân là những trẻ em vô tội, phải gánh chịu nhiều hậu quả tổn thương nghiêm trọng về tinh thần lẫn thể xác.
Để phòng, chống những hành vi trên, gia đình và xã hội cần có nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em nhằm phòng ngừa và phát hiện những hành vi bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em; cần có những lớp hướng dẫn các em những kỹ năng ứng phó, chống trả để thoát thân khi kẻ xấu có ý định xâm hại. Những kỹ năng phòng, chống xâm hại cho các em rất quan trọng, gia đình và nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn trong các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, giúp các em tự bảo vệ mình khi những tình huống xấu xảy ra. Luật Trẻ em có hiệu lực và cần được các cấp chính quyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đến các tổ chức, đoàn thể, gia đình, nhà trường và đặc biệt, đối tượng chính là các em trong độ tuổi đến trường.
Nhằm ngăn chặn những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cần phải có những bản án trừng trị thích đáng đối với những kẻ có hành vi vi phạm quyền trẻ em. Có như thế mới mang lại cho trẻ em môi trường sống và học tập hồn nhiên, vui tươi, hạnh phúc./.
Lê Văn An