Tuần qua, tình hình sâu, bệnh trên lúa ĐX giảm. Bệnh đạo ôn lá có 10.107ha nhiễm, giảm 100ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở hầu hết các huyện, thị xã và TP.Tân An. Rầy nâu có 3.997ha nhiễm, giảm 3.357ha so với tuần trước, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ, Cần Giuộc. Riêng bệnh cháy bìa lá có 1.712ha nhiễm, tăng 165ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-20%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đòng trổ,...
Nông dân cần tập trung chăm sóc lúa Đông Xuân 2018-2019
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, tình hình sâu, bệnh trên lúa ĐX tuần tới: Rầy nâu trưởng thành - trứng; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm giảm do lúa chuyển sang giai đoạn đòng trổ và bệnh chỉ còn gây hại trên các diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện phía Nam và một phần diện tích ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay, điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa tương đối bất lợi cho sâu năn phát sinh, tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đối tượng này trên các diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, tăng cường theo dõi bẫy đèn và kiểm tra đồng ruộng, dự kiến có đợt trưởng thành sâu năn từ ngày 18 đến 22-01-2019.
Tại huyện Tân Hưng, vụ ĐX 2018-2019 xuống giống 37.300ha. Phần lớn nông dân tập trung gieo sạ theo lịch thời vụ đợt 2 vào tháng 11-2018 trên 36.700ha, đúng như khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hồ Quốc Công, hiện nay, các trà lúa phát triển khá tốt, ít sâu, bệnh hơn so với vụ ĐX 2017-2018, tuy nhiên, vẫn có một số diện tích bị nhiễm rầy nâu và cháy rầy cục bộ nhưng không đáng kể. Theo cơ quan chuyên môn của huyện, những ngày tới sẽ có một đợt rầy tấn công vào các trà lúa giai đoạn đòng trổ. Vì vậy, thời gian tới, địa phương cùng nông dân cần tập trung vào sản xuất lúa, nhất là phải thường xuyên thăm đồng, vui tết nhưng không được quên vụ mùa, luôn trong trạng thái chủ động ứng phó khi dịch rầy nâu, sâu năn xuất hiện gây hại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đề nghị: “Các đơn vị chuyên môn phối hợp địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, chú ý các đối tượng: Ốc bươu vàng, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, chuột, bọ trĩ,...; đồng thời hướng dẫn nông dân chú trọng bón phân cân đối để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại năng suất cao cuối vụ”./.
Huỳnh Phong - Bùi Tùng