Tiếng Việt | English

19/10/2021 - 18:25

Tập trung chăm sóc lúa Thu Đông

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 56.602ha lúa Thu Đông (TĐ) 2021, đạt 124,1% kế hoạch (45.600ha), bằng 113,8% so cùng kỳ năm 2020; đã thu hoạch 36.807ha, năng suất khô ước đạt 50,1 tạ/ha, sản lượng 184.439 tấn.

Nông dân phun thuốc phòng, trừ bệnh kịp thời

Nông dân phun thuốc phòng, trừ bệnh kịp thời

Từ đầu vụ đến nay, tình hình sản xuất lúa TĐ khá thuận lợi, ít bị sâu, bệnh. Tuy nhiên, trong tuần qua, một số loại sâu, bệnh như đạo ôn lá, đốm vằn, ốc bươu vàng, chuột,... có dấu hiệu tăng so với tuần trước. Hầu hết các loại sâu, bệnh gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và TP.Tân An.

Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tuần tới, các loại sâu, bệnh như rầy nâu, ốc bươu vàng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá, chuột,... tiếp tục phát sinh trên lúa TĐ giai đoạn đòng trổ - chín ở hầu hết các địa phương.

Tại Tân Trụ, vụ lúa TĐ năm nay, toàn huyện xuống giống được khoảng 4.200ha, chủ yếu lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Hiện nay, có khoảng 85ha lúa TĐ bị nhiễm bệnh đạo ôn, tại các xã: Đức Tân, Tân Phước Tây và Nhựt Ninh. Ngoài ra, trên trà lúa TĐ còn xuất hiện các bệnh đốm vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá rải rác tại các xã với diện tích khoảng 100ha, tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Đặng Văn Cộng khuyến cáo: “Nông dân nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và phòng, trừ hiệu quả các loại sâu, bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần chú ý bón phân cân đối, không bón thừa đạm, khi phát hiện có đốm bệnh xâm nhập phải phun thuốc phòng, trừ kịp thời, giữ mực nước trên ruộng ngập 3 - 5cm, không để ruộng khô nước”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại trên đồng ruộng, từ đó hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý hiệu quả và an toàn, nhất là rầy nâu.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động ứng phó; vận động nông dân thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai, tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, tình trạng sạt lở và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa kịp thời, bảo đảm sản xuất hiệu quả./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết