Tập trung chăm sóc
Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 113.483ha lúa Hè Thu 2019, đạt 51,2% kế hoạch (221.600ha), bằng 257,4% so với vụ Hè Thu năm 2018. Trong đó, lúa Hè Thu sớm xuống giống khoảng 40.000ha, tập trung ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Hiện trên lúa Hè Thu sớm có khoảng 785ha nhiễm rầy nâu, mật độ phổ biến 750-3.000 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn trổ - chín ở các huyện: Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và TP.Tân An; 500ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, 350ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, 250ha nhiễm bệnh lem lép hạt, 200ha vàng lá chín sớm, 150ha bị chuột phá hại,... Mặc dù mức độ nhiễm rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu năn thấp hơn so với vụ Hè Thu năm 2018 nhưng vẫn là đối tượng cần được quan tâm vì hiện nay rầy nâu còn mang mầm bệnh. Vì vậy, các địa phương không nên chủ quan, cần theo dõi sát rầy nâu di trú cũng như trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý kịp thời, hạn chế rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lan truyền cho lúa Hè Thu chính vụ.
Nông dân cần tuân thủ khuyến cáo gieo sạ lúa Hè Thu 2019 để đạt hiệu quả
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, tháng 5-2019, lúa tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, cần lưu ý bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Bên cạnh đó, chuột là đối tượng nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và gây hại ở hầu hết các mùa vụ, các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đặc biệt trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, nếu chúng gây hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Anh Nguyễn Thế Anh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) nói: “Nhờ chủ động nguồn giống, phân bón và cơ giới hóa nên vụ Hè Thu 2019, tôi gieo sạ 2/3ha theo lịch thời vụ đợt I, hiện lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, do đó, các ngành chuyên môn huyện và địa phương khuyến cáo nông dân tập trung giặm tỉa; thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh; sử dụng nước tiết kiệm. Còn 1ha, tôi đang làm đất chuẩn bị gieo sạ đợt II”.
Ông Nguyễn Văn Ngân (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Gia đình tôi có 4ha, đã gieo sạ 2ha lúa Hè Thu sớm cách nay gần 1 tháng. Dù gieo sạ không theo lịch thời vụ nhưng tôi chủ động chăm sóc lúa để phòng, chống sâu, bệnh”. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân 2018-2019, nông dân làm đất tiếp tục xuống giống vụ mùa tiếp theo. Đến nay, toàn huyện có trên 21.000ha lúa Hè Thu, trong đó có nhiều diện tích gieo sạ nông dân không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Việc gieo sạ không theo kế hoạch rất dễ dẫn đến bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại trên cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Trước tình hình trên, Phòng NN&PTNT huyện cùng địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng, chống sâu, bệnh để bảo đảm vụ Hè Thu sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện đề nghị các xã chưa hoàn thành kế hoạch mùa khô khẩn trương nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng; theo dõi chặt chẽ diễn biến khô, hạn để thông báo kịp thời cho người dân đóng các nắp cống, bộng trữ nước trong các kênh, rạch; kiểm tra, sửa chữa các máy bơm trên tinh thần sẵn sàng phục vụ bơm tưới cho cây trồng khi khô hạn xảy ra.
Nông dân cần tuân thủ khuyến cáo gieo sạ lúa Hè Thu 2019 để đạt hiệu quả
Cần tuân thủ khuyến cáo
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp đưa ra nhiều khuyến cáo để nông dân sản xuất vụ Hè Thu 2019 đạt hiệu quả. Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên chọn những giống lúa có tính chống chịu cao trong điều kiện hạn, mặn, phèn và sâu, bệnh, phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như, nhóm giống lúa chất lượng cao: OM 5451, OM 4900, OM 7347…; nhóm giống lúa đặc sản thơm: RVT, NH9, ST24, nếp IR4625, Đài thơm 8,…(Lưu ý: Nhóm giống này nhiễm nặng rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lép vàng vi khuẩn); nhóm giống lúa chống chịu phèn, mặn: AS996, OM5451, OM6976,... Mật độ gieo sạ tùy theo chọn phương pháp cấy hay gieo sạ thẳng, mức khuyến cáo từ 80-100kg/ha.
Lịch gieo sạ, địa phương khuyến cáo nông dân cần xuống giống tập trung theo lịch khuyến cáo của tỉnh cho những vùng chủ động nguồn nước tưới, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm: Đợt II từ ngày 13 đến 23-5-2019 (áp dụng cho các huyện vùng Đồng Tháp Mười); đợt III từ ngày 10 đến 20/6/2019 (áp dụng cho các huyện phía Nam). Đối với những vùng không chủ động nước tưới, chủ yếu lệ thuộc vào mưa thì kiên quyết không xuống giống khi mùa mưa chưa bắt đầu nhằm tránh thiệt hại.
Áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” hoặc “3 giảm, 3 tăng”, bón phân theo phương châm “3 nhìn: Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây; 4 đúng: Đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng lúc, đúng cách”; bón tập trung nặng đầu nhẹ đuôi, hạn chế bón thừa phân đạm.
Công thức phân bón cho vụ Hè Thu 2019: (90-95)N, (50-60)P2O5, (45-60)K2O, tùy theo vùng đất mà xác định lượng phân tăng hay giảm; nên sử dụng phân đạm chậm tan thế hệ mới như đạm 46A+, Ure Black, Ure gold,... để giảm sự mất đạm do bốc hơi và rửa trôi. Do đầu vụ gặp nắng hạn, nhiệt độ cao, khả năng cuối vụ lượng mưa sẽ tăng và dồn dập, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng gây hại tập trung ở giai đoạn lúa từ làm đòng - chín. Các đối tượng gây hại chính: Rầy nâu, rệp gié, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt. Vì vậy, nông dân cần thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sâu, bệnh sớm để phòng trừ kịp thời, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, bệnh theo tập quán, thói quen là phun ngừa sau các lần rải phân; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chương trình không phun thuốc trừ sâu sớm từ 0-40 ngày tuổi, nên áp dụng biện pháp sinh học để phòng trừ như trồng hoa sinh thái bờ ruộng, sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn,...”./.
Huỳnh Phong