Tiếng Việt | English

29/08/2019 - 10:48

Tập trung đóng bít các giếng khoan tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp các địa phương, nhất là huyện Đức Hòa tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp (K,CCN) tiến hành đóng bít và trám lấp giếng khoan hiện hữu của đơn vị hoạt động tại đây (tại những vị trí có nguồn cấp nước mặt), đưa các giếng nước vào dự trữ, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, góp phần bảo vệ tài nguyên nước ngầm theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Long An.

Trước thực trạng tài nguyên nước ngầm ngày càng hạn chế, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt, đặc biệt phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện bảo vệ nguồn nước ngầm.

Nước của Nhà máy Hòa Khánh Tây qua xử lý đạt tiêu chuẩn ăn uống của Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất

Nước của Nhà máy Hòa Khánh Tây qua xử lý đạt tiêu chuẩn ăn uống của Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất  Việc đóng bít và trám lấp các giếng khoan hiện hữu tại các K,CCN được tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện. Các giếng khoan trong K,CCN sau khi kiểm tra, rà soát, nếu hết thời hạn được phép khai thác theo quy định, ngành Tài nguyên và Môi trường tiến hành đóng bít. Nếu giếng khoan còn thời hạn được phép khai thác, ngành tuyên truyền, vận động các chủ đầu tư tiến hành đóng bít giếng, đấu nối vào nguồn cấp nước mặt tập trung để sử dụng, hạn chế sử dụng nước ngầm.Huyện Đức Hòa có thể nói là địa phương tiên phong thực hiện việc này. Bởi hiện nay, nguồn cấp nước mặt trên địa bàn cơ bản đáp ứng đầy đủ nước sinh hoạt cũng như sản xuất công nghiệp của địa phương.

Năm 2016, Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh làm chủ đầu tư đi vào hoạt động, tỉnh khuyến khích người dân, chủ đầu tư K,CCN sử dụng nguồn nước của dự án này vì đáp ứng đầy đủ nhu cầu cả về lưu lượng lẫn chất lượng cho việc sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn huyện. Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt từ Dự án thủy lợi Phước Hòa, giai đoạn 1 có công suất 40.000m3/ngày đêm và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 để nâng công suất lên 80.000m3/ngày đêm. 

Theo đại diện Ban Quản lý KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa), khu đã tiến hành đóng bít giếng khoan và sử dụng nguồn nước của Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây theo chủ trương của tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị nhận thấy nguồn tài nguyên nước ngầm ngày càng cạn kiệt, việc sử dụng nguồn nước mặt rất hợp lý và nước của nhà máy đáp ứng được chất lượng, lưu lượng để các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động sử dụng, giá cả cũng phù hợp. Các doanh nghiệp thứ cấp trong khu có giếng khoan được cấp phép, đơn vị phối hợp ngành chuyên môn vận động trám bít giếng vì mục tiêu chung.

Tiến hành đóng bít giếng khoan tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa

Tiến hành đóng bít giếng khoan tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa

Theo tìm hiểu, tổng lưu lượng nước các K,CCN trên địa bàn huyện Đức Hòa đăng ký sử dụng là 46.100m3/ngày đêm. Hiện Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây đấu nối đến 16 K,CCN tại đây, trong đó, 14 KCN đấu nối và sử dụng nguồn nước với lưu lượng 37.000m3/ngày đêm. Song song với việc đấu nối để cấp nước, ngành chuyên môn phối hợp các đơn vị tiến hành đóng bít giếng khoan hiện hữu, đưa giếng vào dự trữ. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phạm Tùng Chinh thông tin: Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây hoạt động, chủ động nguồn nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa. Về lâu dài, dự án này cấp nước cho một số huyện khác, góp phần hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Tỉnh có chủ trương khuyến khích sử dụng nguồn nước của nhà máy này và tiến hành đóng bít, trám lấp các giếng khoan tại các K,CCN trong phạm vi cấp nước của dự án. Việc đóng bít giếng khoan đang được sở phối hợp địa phương, chủ đầu tư hạ tầng tập trung thực hiện. 

“Tuy nhiên, việc đóng bít giếng khoan còn gặp một số khó khăn nhất định. Sở tiếp tục phối hợp huyện Đức Hòa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh làm việc với chủ đầu tư K,CCN để tháo gỡ, nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, sở kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh triển khai giai đoạn 2, nâng công suất nhà máy lên 80.000m3/ngày đêm, bảo đảm lưu lượng cho các đơn vị sử dụng nước và triển khai cấp nước đến các khu dân cư tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa để người dân sử dụng” - ông Phạm Tùng Chinh thông tin thêm./.

Theo rà soát, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa có hơn 300 giếng khoan được cấp phép khai thác. Từ khi tỉnh có chủ trương, chỉ đạo đóng bít các giếng khoan, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp huyện Đức Hòa tiến hành đóng bít gần 200 giếng của các đơn vị hoạt động tại đây.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích