Nhiều diện tích lúa Đông Xuân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười bị sâu năn gây hại
Nhiều diện tích bị nhiễm
Hiện nay, vụ lúa ĐX 2020-2021 gieo sạ được 221.346ha, đạt 99,7% kế hoạch (222.000ha), bằng 98,2% so cùng kỳ (225.518ha), trong đó, thu hoạch 8.039ha, giai đoạn chín 32.394ha, đòng trổ 76.686ha và đẻ nhánh 67.109ha.
Toàn tỉnh Long An hiện có trên 2.000ha lúa ĐX nhiễm sâu năn, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, trong đó, trên 1.600ha có tỷ lệ nhiễm từ 3-5%, gần 300ha có tỷ lệ nhiễm từ 10-20% và khoảng 100ha có tỷ lệ từ 20-30%. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu vụ ĐX 2020-2021 đến nay, tình hình sinh vật gây hại trên lúa không đáng kể, một số đối tượng như bệnh đạo ôn lá, rầy nâu,... có phát sinh nhưng nông dân đã phòng trị kịp thời. Tuy nhiên, vừa qua, tại một số huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã phát hiện sâu năn (muỗi hành) trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng với mật độ thấp.
Vụ ĐX 2020-2021, huyện Tân Hưng gieo sạ gần 37.000ha, trong đó, trên 2.300ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bị sâu năn tấn công làm thiệt hại từ 20-50% số chồi, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận của nông dân. Anh Lê Văn Hiếu, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, buồn bã: “Gia đình tôi có 3ha gieo sạ lúa giống OM 4625. Trước khi sạ, tôi ngâm giống trong thuốc để phòng bệnh. Khi cấy xong, tôi phun một đợt nữa nhưng lúa vẫn bị sâu năn với mật độ khoảng 20%. Vì thế, năng suất vụ này chắc sẽ thiệt hại không nhỏ”.
Giống như anh Hiếu, 4ha lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ cùng địa phương, cũng bị sâu năn gây hại với mật độ từ 10-20%. Ông Hồng chia sẻ: “Hiện lúa được 40 ngày tuổi. Tôi đang cố gắng chăm sóc để hạn chế thấp nhất sự thiệt hại mà sâu năn gây ra”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: “Qua kiểm tra thực tế tại các diện tích lúa bị sâu năn gây hại tại xã Hưng Điền B, Hưng Hà và Thạnh Hưng cho thấy, nhiều diện tích lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đã bị sâu năn tấn công và gây hại nặng. Tuy nhiên, một số diện tích lúa bị gây hại được phát hiện sớm, nông dân chủ động chăm sóc, bón phân nên đã có dấu hiệu hồi phục”.
Tại thị xã Kiến Tường, vụ ĐX 2020-2021 đã xuống giống 14.477ha, trong đó có khoảng 1.500ha bị nhiễm sâu năn từ 3-15% ở các xã Thạnh Hưng, phường 1, phường 2 và phường 3. Hầu hết diện tích lúa bị sâu năn gây hại từ 20-30 ngày tuổi. Theo ngành Nông nghiệp thị xã Kiến Tường, nguyên nhân ban đầu là người dân gieo sạ không đồng loạt.
Khuyến nông viên xã Thạnh Hưng - Võ Hoàng Giang thông tin: “Hiện toàn xã có khoảng 4.950ha lúa ĐX 2020-2021, trong đó, thu hoạch khoảng 800ha, năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Số diện tích gieo sạ trễ thì nhiễm sâu năn với tỷ lệ từ 5-10%. Địa phương đã tăng cường khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc để hạn chế thiệt hại”.
Tập trung phòng trừ
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường - Bùi Văn Ê cho biết: “Ngay khi phát hiện có sâu năn gây hại trên địa bàn thị xã, địa phương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch hại; đồng thời, cử cán bộ chuyên môn đến từng gia đình để nắm tình hình và thống kê diện tích bị nhiễm. Song song đó, thị xã cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hướng dẫn người dân cách phòng, chống sâu năn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, giải pháp trước mắt để phòng tránh sâu năn đối với lúa ở giai đoạn đòng trổ không nên xử lý thuốc hóa học vì sâu năn chỉ gây hại trên các chồi vô hiệu, phun thuốc không hiệu quả và cũng để bảo vệ thiên địch của sâu năn là một số loài ong ký sinh trên nhộng và trứng. Bên cạnh đó, những diện tích lúa bị sâu năn gây hại cần kịp thời tháo cạn nước trong ruộng để hạn chế sự lây lan phát triển; tăng cường chăm sóc cây lúa khỏe để bù lại những phần thiệt hại do sâu năn gây ra. Đối với những diện tích giai đoạn cuối đẻ nhánh bị sâu năn gây hại tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tăng cường bón thêm phân NPK với liều lượng tăng 10-20%, bổ sung thêm các loại phân bón lá, phân có chứa Ca, Si cho cây khỏe, tạo nhiều hạt chắc trên bông. Ngoài ra, để cắt đứt nguồn lây lan của sâu năn, cần tuyên truyền, vận động người dân ngưng ngay việc gieo sạ lúa Xuân Hè, chỉ gieo sạ lúa Hè Thu khi có lịch khuyến cáo của ngành chức năng
“Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch hại trên cây lúa, đặc biệt là sâu năn bằng nhiều hình thức khác nhau đến người dân; đặc biệt là giám sát, nắm chắc diễn biến của sâu năn ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh (những diện tích xuống giống Hè Thu sớm). Bên cạnh đó, các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối tuân thủ lịch gieo sạ vụ Hè Thu sắp tới, tập trung gieo sạ vào khoảng tháng 4 và 5, vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở các kênh, mương, làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng, không giữ nước ruộng quá sâu (nhiều hơn 5cm); đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “công nghệ sinh thái” (trồng hoa trên bờ ruộng); bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm; tăng cường bón lân, kali, bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magiê, silic,…” - ông Thiện cho biết thêm./.
Minh Tuệ