Tiếng Việt | English

11/03/2018 - 17:02

Quản lý sâu năn trên lúa và các giải pháp phòng trừ

Trong 2 ngày 10 và 11/3, UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An phối hợp Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Long An tổ chức tọa đàm “Quản lý sâu năn trên lúa và các giải pháp phòng trừ” tại 3 điểm trên địa bàn huyện. Hơn 300 nông dân ở 13/13 xã, thị trấn dự.

Nông dân đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm

Nông dân đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm

Theo ghi nhận, vụ Đông Xuân 2016-2017, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có hơn 30.000ha lúa bị nhiễm sâu năn (muỗi hành) với tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 10-20%. Huyện Tân Thạnh có hơn 5.000ha, chủ yếu ở các xã Nhơn Hòa Lập, Tân Lập, thị trấn Tân Thạnh, nặng nhất là xã Bắc Hòa và Nhơn Hòa.

Thực tế cho thấy, sâu năn xuất hiện chủ yếu trên các diện tích lúa sạ sau lịch đợt 3 (từ ngày 05-20/01/2018) và một phần diện tích sạ từ ngày 01-04/01/2018. Các diện tích này không có đê bao và sạ muộn hơn những khu vực khác. Thời điểm gieo sạ có xuất hiện mưa kết hợp với sương mù tạo điều kiện cho sâu năn phát sinh và gây hại. Ngoài ra, việc nông dân gieo sạ dày, bón phân không cân đối, sử dụng thuốc hóa học làm giảm số lượng thiên địch cũng dẫn đến bộc phát sâu năn.

Tại các buổi tọa đàm, nông dân nhận biết tác hại lớn của việc không tuân thủ theo lịch gieo sạ thời vụ cũng như canh tác theo phương thức truyền thống làm tốn nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.

Theo đó, ngành chuyên môn phối hợp các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình dịch hại trên lúa, đặc biệt là sâu năn bằng nhiều hình thức khác nhau ngay từ đầu vụ sản xuất; tích cực gia cố hệ thống đê bao và chủ động bơm tát nước để gieo sạ sớm và chỉ bố trí 2 đợt sạ trong 1 vụ; tăng cường vệ sinh đồng ruộng và cần gieo sạ thưa với mật độ vừa phải để giảm ẩm độ trên tán lá.

Đối với lúa Hè Thu 2018, cần xây dựng lịch gieo sạ tập trung trong tháng 4 và tháng 5/2018 và kiên quyết chỉ đạo không gieo sạ lúa Đông Xuân 2018-2019 trong tháng 01/2019.

Bên cạnh đó, nông dân cần tăng cường áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng./.

Duy Thanh

Chia sẻ bài viết