Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 08:50

Tập trung sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022

Lũ rút là thời điểm nông dân huyện Tân Hưng (Long An) vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa vụ Đông Xuân (ĐX). Hiện địa phương tập trung chỉ đạo công tác xuống giống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch hại gây ra.

Nhiều diện tích lúa xuống giống trái lịch thời vụ

Đến thời điểm này, nông dân huyện Tân Hưng đã xuống giống vụ lúa ĐX 2021-2022 được gần 11.000ha, trong đó có hơn 2.000ha trong giai đoạn mạ, hơn 8.500ha trong giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, trong số diện tích đã xuống giống này có hơn 4.000ha nông dân bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn gieo sạ ngoài lịch thời vụ.

Hơn 4.000ha lúa Đông Xuân 2021-2022 xuống giống trái lịch thời vụ cơ quan chuyên môn khuyến cáo

Tại xã Vĩnh Lợi, theo kế hoạch vụ lúa ĐX 2021-2022, toàn xã xuống giống 3.000ha, kết thúc lịch gieo sạ đợt 1 (từ ngày 15 - 23/10/2021) nông dân xuống giống được 1.100ha và hầu hết diện tích xuống giống này đều ngoài lịch khuyến cáo. Dù chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo xuống giống lúa vụ ĐX 2021-2022 phải bảo đảm theo lịch thời vụ để hạn chế sâu, bệnh gây hại nhưng ông Trương Văn Cơ, ngụ ấp Cả Cát, xã Vĩnh Lợi, cho rằng hệ thống đê bao khu vực ruộng của mình đã hoàn chỉnh, lũ năm nay ở mức thấp, nên thống nhất rút nước gieo sạ. Vì gieo sạ sớm, lúa thu hoạch trước tết bán được giá. Hiện 5/8ha lúa của gia đình ông xuống giống hơn 1 tháng qua.

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, cả khu vực này đều được người dân cày trục để xuống giống vụ lúa ĐX sớm. Mặc dù biết chưa đến lịch thời vụ nhưng ai cũng làm, mình không làm theo cũng không được.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết, hiện huyện có gần 11.000/37.000ha lúa ĐX đã xuống giống, tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Hưng Điền,… Nhiều diện tích khác, nông dân đang vệ sinh đồng ruộng để tiếp tục xuống giống.

Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, trước tình hình thời tiết và sinh vật gây hại vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tác động xấu đến sản xuất, để bảo đảm sản xuất lúa vụ ĐX 2021-2022 đạt thắng lợi, góp phần hoàn thành chỉ tiêu lương thực của huyện năm 2022, UBND huyện có công văn chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo Sản xuất nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,...; xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy, không gieo sạ tự phát, phân tán. Lịch gieo sạ cụ thể đợt 1 từ ngày 15 đến 23/10/2021 (đối với các xã vùng đất gò cao, có khả năng thiếu nước cuối vụ), đợt 2 từ ngày 13 đến 28/11/2021 (đối với các xã vùng đất trung bình, vùng có đê bao), đợt 3 từ ngày 13 đến 25/12/2021 (đối với các xã vùng trũng thấp, không có hệ thống đê bao). Tập trung gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2021-2022 trong tháng 12/2021.

Nông dân cần vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống

Về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Khuyến cáo sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha. Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: ST 24, RVT, VD20, nếp IR 46-25, nếp OM 84,...; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM 4900, OM 7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9,…; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn khá tốt: OM 5451, OM 6976, OM 576,…

Ngoài ra, các địa phương, ngành chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về diễn biến dịch hại, vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; ứng dụng các gói kỹ thuật đã được áp dụng phổ biến, hiệu quả từ Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong sản xuất lúa (VnSAT) nhằm tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, tập trung ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM”. Thực hiện tốt điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu, bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa, bão,… Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng kém chất lượng, hàng giả, bảo vệ tốt sản xuất và lợi ích của nông dân.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, để vụ lúa ĐX 2021-2022 đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân, ngoài các khâu cày vùi rơm rạ làm cho đất thông thoáng, tăng độ phì nhiêu, cắt đứt mầm sâu, bệnh, giảm ngộ độc hữu cơ, cần chủ động diệt chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. Đối với những vùng gò cao, một số diện tích lũ ngập ít, nông dân cần cày vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sâu, bệnh phát sinh và lây lan. Các diện tích có hệ thống đê bao lửng, nông dân cần chủ động bơm nước ra sạ sớm theo lịch khuyến cáo của địa phương, tập trung gieo sạ vào đợt 2 (từ ngày 13 đến 28/11/2021), đợt 3 (từ ngày 13 đến 25/12/2021) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất của nông dân, nhất là khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu tới như thiếu nước vào đầu vụ, ảnh hưởng lũ vào cuối vụ. Riêng số diện tích đã xuống giống, cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu, bệnh thì phun xịt thuốc ngay để tiêu diệt mầm bệnh.

Việc gieo sạ không theo kế hoạch rất dễ dẫn đến việc bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại trên cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Bên cạnh tuyên truyền, nông dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng tránh rủi ro trong sản xuất bằng cách gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng và tích cực theo dõi, chăm sóc cây lúa để kịp thời phát hiện, xử lý sâu, bệnh gây hại, bảo đảm vụ mùa thắng lợi.

Giá phân bón tăng cao, nông dân sản xuất gặp khó

Hiện nông dân trên địa bàn huyện bước vào sản xuất vụ lúa ĐX 2021-2022, tuy nhiên giá phân bón tăng cao, làm nhiều người vô cùng lo lắng.

Anh Võ Văn Hiếu, ngụ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, cho biết: ĐX là vụ sản xuất chính trong năm nên anh hy vọng sẽ có được một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, giá phân bón tăng ở mức cao như hiện tại thì việc sản xuất lúa trong vụ này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, chi phí phân bón khoảng 5 triệu đồng/ha, nhưng nay phải gần 10 triệu đồng/ha. Vốn đầu tư quá cao và anh không biết làm có lãi hay không? Anh mong muốn các ngành chức năng có chính sách bình ổn giá phân bón để nông dân trồng lúa có lợi nhuận.

Sớm có giải pháp bình ổn giá phân bón

Theo kinh nghiệm trồng lúa nhiều năm của ông Lê Văn Thẳng, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, mỗi hécta lúa phải bón từ 9-10 bao phân cho cả vụ, hiện tại giá mỗi bao phân tăng lên từ 300.000-500.000 đồng, tùy loại. Như vậy, chỉ tính riêng chi phí bón phân thì mỗi hécta sẽ thêm khoản chi phí từ 3-5 triệu đồng. Nếu tình hình cứ như vậy, nông dân sẽ rất khó khăn và sản xuất không có lãi.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao. Riêng 3 tháng gần đây, nhiều loại phân bón giá tăng ít nhất 50%, có loại tăng 100%. Theo anh Nguyễn Văn Phong - chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phong Lan (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng), hiện phân ure Cà Mau có giá 900.000 đồng/bao; kali Phú Mỹ, Cà Mau 850.000 đồng/bao, DAP 18-460 1 triệu đồng/bao. Trung bình mỗi bao phân tăng từ 300.000-500.000 đồng so với vụ trước.

Theo kế hoạch vụ lúa ĐX 2021-2022, nông dân huyện Tân Hưng xuống giống với tổng diện tích 37.000ha. Hiện có gần 11.000ha đã gieo sạ, dự kiến số diện tích còn lại sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2021. Trước nhu cầu sử dụng lượng phân bón trên địa bàn huyện là rất lớn, với diễn biến giá thị trường phân bón như hiện nay, nông dân đang gặp khó do chi phí sản xuất tăng cao, nguy cơ thua lỗ nếu giá đầu ra sản phẩm không tăng. Trước thực tế trên, nông dân mong muốn ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn giá phân bón, để người dân an tâm sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết