Tiếng Việt | English

13/05/2019 - 08:38

Tập trung ứng phó dịch tả heo châu Phi

Mặc dù các tỉnh, thành thực hiện nhiều biện pháp tập trung phòng ngừa nhưng hiện nay, dịch tả heo châu Phi đã lan rộng đến một số tỉnh phía Nam. Gần đây nhất, tỉnh Bình Phước và tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước là Đồng Nai đã phát hiện dịch bệnh. Thông tin này làm người chăn nuôi heo rất lo lắng.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài heo, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo. Do lây lan nhanh nên dịch bệnh hết sức nguy hiểm với heo, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, đời sống nông dân và môi trường xung quanh. Con người và phương tiện vận chuyển là 2 yếu tố quan trọng làm lây lan bệnh trên diện rộng. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. 

Để đối phó, phòng ngừa dịch bệnh, thời gian qua, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và ban hành Chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; trong đó huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, tiêu độc, khử trùng đến tăng cường công tác kiểm dịch. Các hội viên nông dân, phụ nữ vừa là người chăn nuôi, vừa là người tiêu dùng, đã tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền “sản xuất và sử dụng thịt heo an toàn”.

Biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi hiện nay vẫn là phòng bệnh. Theo đó, các ngành chức năng tăng cường rà soát các chợ, điểm trung chuyển, điểm tập kết, cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom động vật trên địa bàn tỉnh. Thành lập các trạm kiểm soát ở một số địa phương, trục lộ giao thông; phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tuyến biên giới để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, sát trùng cả bên trong lẫn bên ngoài chuồng trại, khu vực xung quanh trại; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Về phía người chăn nuôi cần cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; nhất là không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi. Không được lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh và không thả rong heo ra bên ngoài chuồng trại.

Bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện gần Long An nên công tác phòng, chống dịch cần phải tập trung thực hiện, không được chủ quan, lơ là. Tăng cường phòng, chống dịch nhưng người tiêu dùng không nên lo ngại, tẩy chay thịt heo vì virus gây bệnh có thể bị tiêu diệt sau khi xử lý bằng nhiệt (60oC trong 20 phút) và không nguy hiểm cho người. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn mua thịt ở chợ, cửa hàng đã được cơ quan thú y kiểm dịch và nấu chín thịt khi sử dụng./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết