Tiếng Việt | English

23/11/2020 - 19:18

Telegraph: Anh có thể chấp thuận vắc xin của Pfizer trong tuần này

Anh có thể chấp thuận loại vắcxin ngừa COVID-19 do nhà sản xuất Pfizer của Mỹ hợp tác với BioNTech của Đức phát triển trong tuần này, thậm chí trước cả Mỹ.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Sky News)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Sky News)

Tờ Telegraph của Anh ngày 22/11 đưa tin Anh có thể chấp thuận loại vắcxin ngừa COVID-19 do nhà sản xuất Pfizer của Mỹ hợp tác với BioNTech của Đức phát triển trong tuần này, thậm chí trước cả Mỹ.

Telegraph dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết các cơ quan quản lý của Anh sắp bắt đầu đánh giá chính thức vắcxin do Pfizer Inc và BioNTech SE phát triển, và rằng Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đã được thông báo sẵn sàng quản lý loại vắcxin này vào ngày 1/12.

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 20/11 cho biết cơ quan này sẽ nhóm họp vào ngày 10/12 để thảo luận về việc có nên cấp phép cho loại vắcxin này hay không.

Bộ Y tế Anh không đưa ra bình luận gì về thời điểm đợt tiêm vắcxin đầu tiên sẽ được thực hiện.

Một phát ngôn viên cho biết quy trình cấp phép của Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) độc lập với chính phủ và sẽ mất nhiều thời gian nếu họ cần xem xét dữ liệu cuối cùng từ Pfizer. Tuần trước, Anh đã chính thức yêu cầu MHRA đánh giá tính phù hợp của vắcxin do Pfizer-BioNTech sản xuất.

Anh đã đặt hàng 40 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 và dự kiến sẽ có 10 triệu liều, đủ để “bảo vệ” 5 triệu người, có sẵn vào cuối năm nay nếu các cơ quan quản lý chấp thuận.

Loại vắcxin do Pfizer Inc và BioNTech cùng phối hợp bào chế có thể được Mỹ và châu Âu cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng tới, sau khi kết quả thử nghiệm gần nhất cho thấy loại vắcxin này đạt hiệu quả 95% và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Trong khi đó, hãng Moderna Inc của Mỹ hồi tuần trước cũng công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vắcxin của hãng này đạt hiệu quả 94,5%. Những kết quả tốt hơn dự kiến của hai loại vaccine trên đã thắp lên tia hy vọng sớm chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người trên thế giới, và tàn phá các nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết