Tiếng Việt | English

04/02/2019 - 11:15

Tết sum vầy

Tảo mộ, đón giao thừa, chúc tết, lì xì, gói bánh tét,... là những phong tục truyền thống mà các gia đình duy trì trong ngày tết. Vào dịp này, các thành viên trong gia đình, nhất là những gia đình nhiều thế hệ thường quây quần bên nhau với mong muốn có một cái tết đầm ấm, sum vầy.

Lì xì là phong tục truyền thống được các gia đình nhiều thế hệ duy trì trong ngày tết

Lì xì là phong tục truyền thống được các gia đình nhiều thế hệ duy trì trong ngày tết

Tết đầm ấm, sum vầy

Chúng tôi đến thăm gia đình “tứ đại đồng đường” của ông Trương Văn Khởi và bà Lương Thị Ngọc Một (ấp 3, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) vào một ngày giáp tết. Gia đình ông bà có 5 người con. Người con trai thứ 3 có gia đình, được ông bà cho ra ở riêng và có cuộc sống ổn định. Hiện ông bà phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Năm (có 3 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước); sống chung vợ chồng người con trai lớn, 2 cháu nội và người con trai út đang học lớp 12. Gia đình ông bà là một trong những gia đình còn lưu giữ nhiều nét truyền thống. Với gia đình ông Khởi, phong tục tảo mộ, thắp hương, dâng hoa, quả thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên được gia đình thực hiện trước ngày 25 tháng Chạp. Đến ngày mùng 1 tết, cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm đầu năm mới. Con cháu cùng nhau chúc tết, mừng tuổi và nhận tiền lì xì từ ông bà. Đến khoảng 8-9 giờ sáng mùng 3, con cháu, bà con họ hàng ở xa đến nhà ông bà chúc tết. Không khí trong nhà trở nên rộn rã hơn. Với gia đình ông Khởi và bà Một, tết là dịp cả nhà sum vầy và nghỉ ngơi. Đây là khoảng thời gian mà ông bà mong đợi nhất trong năm. Ông Khởi chia sẻ: “Người dân ở quê chúng tôi chuẩn bị đón tết từ rất sớm. Từ mấy tháng trước tết, gia đình tôi bắt đầu nuôi gà, vịt, cá lóc để dành cúng ông bà và đãi khách”.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gần kề cũng là lúc gia đình ông Lê Văn Như và bà Mạc Thiện Thanh Hoa (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) tất bật chuẩn bị đón xuân về. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, bà Hoa dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua sắm đồ dùng cần thiết. Bên cạnh việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống,... thì trang hoàng nhà cửa cũng được bà coi trọng. “Trang trí bàn thờ gia tiên ngày tết là công việc quan trọng nhất. Đây là cách giáo dục con cháu kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, tôi luôn chú ý chăm chút bàn thờ trước tiên” - bà Hoa cho biết.

Bà Mạc Thiện Thanh Hoa xem việc trang trí bàn thờ gia tiên  là công việc quan trọng nhất

Bà Mạc Thiện Thanh Hoa xem việc trang trí bàn thờ gia tiên là công việc quan trọng nhất

Mâm ngũ quả với cầu, dừa, đủ, xoài, sung bày biện trên bàn thờ thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà, tổ tiên cũng như ước mong năm mới sung túc, bình an cùng bánh, mứt ngày tết cũng được bà chuẩn bị chu đáo. Dù thị trường bánh, mứt rất phong phú nhưng năm nào bà Hoa cũng tự làm nhiều loại mứt vì vừa chất lượng, vừa bảo đảm an toàn. Mâm cơm tất niên được bà chuẩn bị thịnh soạn chiều 30, trước là rước ông bà về ăn tết với con cháu, sau là cả nhà sum họp bên nhau.

Giữ phong tục truyền thống

Nếu cây nêu là tín hiệu của mùa xuân xưa thì hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió xuân ở mỗi gia đình ngày nay vừa tô điểm trời xuân, vừa mang ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ hôm nay tự hào về những trang sử vàng của dân tộc và thấy được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Đời sống người dân dần ổn định, ai cũng náo nức chào đón năm mới đủ đầy, ấm no hơn.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Đức Thành và bà Nguyễn Thị My (ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) vào một ngày giáp tết, chúng tôi thực sự bất ngờ vì không gian nơi đây như có sự tách biệt hoàn toàn với nhịp sống ồn ào của thành thị. Ngôi nhà rộng lớn đủ sức chứa 6 gia đình nhỏ (20 người) lúc nào cũng ấm cúng, rộn rã tiếng nói, cười. Ngày tết, gia đình ông bà không cần mua sắm nhiều bởi có sẵn vài chậu hoa vạn thọ được ông trồng mấy tháng trước tết. Mai cũng được ông tuốt lá từ rằm tháng Chạp cho kịp nở hoa. Dưa cải, dưa kiệu, các loại mứt dừa, khóm, me,... thì được bà làm từ nguyên liệu sẵn có. Thịt kho tàu, khổ qua hầm là những món không thể thiếu. Các con của ông bà đều làm ăn xa nhà. Vì thế, tết đến là dịp đại gia đình sum họp, nấu ăn chung mâm suốt 3 ngày đầu năm mới. Các nàng dâu trong nhà thì bận rộn với việc nội trợ. Với họ, đó là niềm vui được chăm sóc, vun vén hạnh phúc gia đình.

Nhà cửa rộng rãi, thuận tiện nên năm nào bà cũng tổ chức gói bánh tét trước cúng ông bà, tổ tiên, sau để biếu hàng xóm, láng giềng. Ngày nay, dù cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn nhưng gia đình ông bà vẫn giữ tập tục này như một nét đẹp truyền thống ngày tết. 

Gia đình ông Nguyễn Đức Thành, bà Nguyễn Thị My luôn giữ những phong tục truyền thống ngày tết

Gia đình ông Nguyễn Đức Thành, bà Nguyễn Thị My luôn giữ những phong tục truyền thống ngày tết

Vào ngày gói bánh tét, từ sáng sớm, cả nhà chia nhau công việc để làm, nào là xào nếp, làm nhân, lau lá, chẻ lạt. Người thì chuẩn bị nồi nước lớn để nấu bánh. Từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, ai cũng háo hức mong chờ lúc bánh chín. Ngồi canh nồi bánh tét đón giao thừa, ông bà, con cháu cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm nhau sau một năm lo toan công việc. Bà My cho biết: “Gia đình tôi xem việc gói bánh tét là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong dịp tết. Nhà đông con cháu nên lúc cả nhà cùng nhau gói bánh là khoảng thời gian vui nhất. Đây cũng là lúc cha mẹ truyền dạy lại kinh nghiệm cho con cháu cách gói bánh sao cho chặt, đẹp mắt”.

Dù đi đâu, làm gì, mỗi dịp tết đến, xuân về, tất cả thành viên trong gia đình nhiều thế hệ đều xem nhà thờ tổ tiên là bến đỗ bình yên nhất của mình. Tết ở mỗi gia đình “tam, tứ đại đồng đường” luôn thấm đượm hương vị cổ truyền. Đây là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp từ bao đời nay./.

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích