Tiếng Việt | English

24/07/2015 - 10:35

Thạnh Hóa: Từng bước xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa

5 năm qua, Thạnh Hóa tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản,... Từ đó, nông nghiệp đạt những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng khởi sắc.


Nông dânTân Tây khá lên nhờ trồng khóm

Mạnh dạn chuyên đổi cây trồng, vật nuôi

Lúa là cây trồng chủ lực của huyện. Nhiệm kỳ qua, diện tích cũng như sản lượng đều tăng. Năm 2010, diện tích sản xuất gần 29.500ha, sản lượng 160.748 tấn. Đến năm 2015, diện tích tăng lên gần 40.000ha, sản lượng 268.683 tấn. Lợi nhuận trung bình từ 20-25 triệu đồng/ha. Các loại cây trồng như dưa hấu, khoai mỡ tiếp tục sản xuất ổn định, đạt lợi nhuận trung bình từ 15-35 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã làm cho sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng: Cây khóm diện tích trồng gần 360ha, lợi nhuận trung bình từ 40-50 triệu/ha/năm; cây chanh diện tích trồng hơn 200ha, lợi nhuận trung bình 150-200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, một số cây trồng khác như sen, gấc, mì, đậu phộng, khoai lang,... đang dần hình thành vùng sản xuất tập trung ổn định lâu dài, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. 

Anh Trần Văn Một, ngụ ấp 5, xã Tân Tây cho biết: “Những năm gần đây, cuộc sống gia đình có nhiều cải thiện, vì cây khóm có đầu ra ổn định. Nhờ chuyển đổi sang trồng khóm trong vùng chuyên canh, bộ mặt xã Tân Tây ngày càng đổi mới. Chúng tôi càng phấn khởi hơn khi biết trong nhiệm kỳ 2015-2020, xã sẽ tiếp tục được quan tâm xây dựng thêm khu đê bao khép kín vượt lũ, mạng lưới điện 3 pha, hệ thống tưới tiêu thoát nước, trạm bơm điện phục vụ vùng chuyên canh khóm”.

Ngoài ra, Thạnh Hóa còn phát triển chăn nuôi trang trại theo quy hoạch và vùng chăn nuôi tập trung 400ha tại ấp 1, xã Thạnh An. Hiện huyện có 11 trang trại hoạt động có hiệu quả.

Tạo động lực phát triển nông nghiệp

Huyện thường xuyên dự báo tình hình dịch bệnh, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, thâm canh khoai mỡ, kỹ thuật chăn nuôi,... Đồng thời, triển khai chương trình hỗ trợ giống xác nhận; cánh đồng 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm,... Đến nay, huyện xây dựng cánh đồng lớn đạt 1.903ha với trên 1.400 hộ tham gia, tập trung ở các xã Tân Đông, Tân Tây, Thủy Tây và Thạnh An. Mô hình đạt lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất bên ngoài là 3,5 triệu/ha.

Bên cạnh đó, UBND các xã còn chủ động thông qua các tổ kinh tế hợp tác, xây dựng liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp bao tiêu nông sản trên 700ha. Mô hình kinh tế hộ đến nay đã nhân rộng được 40 điểm với 138 hộ tham gia. Qua đó, tận dụng nhân công nhàn rỗi và tăng thu nhập cho nông dân, trung bình từ 10-15 triệu đồng/mô hình. Hiện huyện có 3 hợp tác xã đang hoạt động với tổng mức góp vốn 2,9 tỉ đồng; 52 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Qua 5 năm thực hiện, huyện nạo vét kênh kết hợp làm đê bao lửng, đường giao thông nông thôn được 94 công trình, tổng giá trị đầu tư 216 tỉ đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện xây dựng 23 trạm bơm điện, tổng vốn 18 tỉ đồng, phục vụ tưới tiêu cho trên 2.500ha đất sản xuất, giúp nông dân chủ động trong sản xuất và giảm chi phí đầu tư.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Huỳnh Kim Tùng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt, còn một số khó khăn. Huyện chưa có giải pháp đồng bộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ổn định, sản xuất còn mang tính tự phát, rủi ro cao. Chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Kinh tế hợp tác ở quy mô tổ nhóm và hoạt động mang tính thời vụ. Mối liên kết 4 nhà từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn, nhất là giữa doanh nghiệp và nông dân,.../.

Thanh Nga-Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết