Công nhân sơ chế thanh long tại kho chứa trên địa bàn huyện Châu Thành
Hiện giá thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ được thu mua tại vườn với giá khá cao. Cụ thể, thanh long ruột trắng được thu mua với giá từ 11.000-13.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ loại 1 từ 40.000-43.000 đồng/kg, loại 2 từ 35.000-38.000 đồng/kg, loại 3 từ 30.000-32.000 đồng/kg. Với giá mua như trên, người trồng phấn khởi.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh, huyện Châu Thành hiện có khoảng 8.000ha thanh long, trong đó, diện tích thanh long đang cho trái trên 5.500ha. Hiện nay, nông dân tích cực chăm sóc. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) vừa bán trên 5 tấn thanh long với giá 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: “Sau thời gian dài giá thanh long giảm mạnh, từ đầu năm 2023 đến nay, giá đã tăng trở lại. Đây là động lực để nông dân yên tâm đầu tư, chăm sóc vườn thanh long”.
Cũng vừa thu hoạch trên 2ha thanh long, bán với giá 35.000 đồng/kg, bà Trần Thị Hồng (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Sau hơn 2 năm giá thanh long xuống thấp, nhiều người phải phá bỏ do thua lỗ thì năm nay, giá đã tăng trở lại. Vui mừng vì trúng mùa nhưng chúng tôi vẫn rất lo tình trạng thanh long rớt giá sẽ tái diễn trong thời gian tới. Mong rằng các cấp, các ngành sẽ có giải pháp để ổn định đầu ra cho nông sản”.
Thời điểm này năm trước, thanh long đang vào vụ thu hoạch rộ nên giá giảm mạnh, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ với giá chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng với giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Vì vậy, một số người dân đốn bỏ những vườn thanh long già cỗi, lâu năm để trồng mới lại hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có trên 3.540ha thanh long bị nông dân phá bỏ do giá xuống thấp.
Để giữ vững diện tích thanh long, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân duy trì diện tích thanh long hiện có trên địa bàn cũng như hạn chế việc chuyển đổi ồ ạt sang một loại cây trồng khác khi đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Đồng thời, ngành chuyên môn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, hiện toàn tỉnh có khoảng 8.730ha thanh long. Đến nay, đã có 226 mã số vùng trồng được cấp để thanh long xuất sang các thị trường trên thế giới. Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây trồng này phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành trong thời điểm giá vật tư tăng cao; đồng thời, xử lý trái vụ và vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu, kho lạnh trong thời gian tới./.
Minh Tuệ