Gần đây, Long An đã bàn nhiều cách "giải cứu" thanh long
Trên địa bàn tỉnh Long An, có khoảng 160 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tiêu thụ thanh long. Cụ thể, có 154 cơ sở thu gom, sơ chế thanh long (trong đó có khoảng 100 cơ sở có kho lạnh bảo quản, trung bình khoảng 50 tấn/kho), ước khả năng tạm trữ, bảo quản khoảng 5.000-6.000 tấn thanh long, chủ yếu của thương nhân người Trung Quốc nắm và điều hành. Có 6 cơ sở chế biến sản phẩm thanh long (rượu thanh long; thanh long sấy khô, dẻo; thanh long hạt lựu,...). Có 9.897ha thanh long được cấp mã số vùng trồng, 120 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp mã số kho đóng gói, 593,53ha được chứng nhận sản xuất theo VietGAP.
Theo thống kê, đến cuối tháng 3/2020, diện tích thu hoạch thanh long toàn tỉnh khoảng 9.209ha, sản lượng khoảng 91.330 tấn. Trong đó, đến cuối tháng 02-2020, diện tích thu hoạch gần 6.000ha, sản lượng khoảng 59.580 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua, giá thanh long giảm mạnh vì cửa khẩu với Trung Quốc ngừng giao dịch. “Có những thời điểm, các cơ sở chỉ thu mua thanh long đối với các nhà vườn đã đặt tiền cọc trước đó hoặc các mối lái thân quen, giá thu mua rất thấp” - ông Nguyễn Văn Hùng, một nhà vườn tại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, cho biết. Tình trạng này xảy ra bởi thị trường xuất khẩu thanh long của tỉnh chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 70-80%).
Trước thực trạng này, tỉnh khuyến cáo người dân chuyển hướng sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng trái thanh long để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khác, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Tổ chức họp bàn, làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành và nhà kho, doanh nghiệp để thu mua, chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa.
Tại cuộc làm việc tại tỉnh Long An mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Xuân Cường kêu gọi sự chung tay, đồng hành của toàn xã hội với nông dân. Đặc biệt, các kênh phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, các công ty chế biến nông sản,... cần vào cuộc sớm để “giải cứu” thanh long.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, những ngày gần đây, cửa khẩu với Trung Quốc thông thương trở lại nên thanh long đã xuất qua được. Từ đó, giá thanh long tăng mạnh trở lại. “Hiện thanh long được thu mua của nông dân với giá gần 35.000 đồng/kg. Cũng nhờ vậy, lượng thanh long tồn kho không còn nhiều” - ông Trịnh thông tin.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Long An đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác và trồng cây thanh long đúng hướng với gần 1 vạn héc ta. Tuy vậy, cần tập trung thu hút nhiều doanh nghiệp làm về công tác chế biến nông sản. Trong bối cảnh của Covid-19 tác động đến thị trường xuất khẩu, tỉnh cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nông dân, nhà máy và chính quyền, hình thành vùng nguyên liệu để cho chuỗi giá trị tốt”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị tỉnh Long An cần tập trung tổng thể, vừa tiêu thụ nội địa, vừa cấp đông, chế biến khô để “giải cứu” thanh long khi xuất khẩu gặp khó khăn; bảo đảm quy trình khép kín giữa vùng nguyên liệu, nhà máy để sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn. Đồng thời, rà soát việc tái cơ cấu cho phù hợp với mục tiêu xây dựng, sản xuất vùng nông thôn hiệu quả, thích ứng với biến động của thị trường. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng nông sản để tăng tính cạnh tranh xuất khẩu với thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường khuyên nông dân nên tham gia vào các chuỗi nông nghiệp công nghệ cao. Việc này không chỉ giúp nâng cao
giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn bảo đảm đầu ra cho nông dân, không bị tình trạng “được mùa, mất giá”. Nếu nông dân tham gia vào chuỗi nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ tránh được tình trạng khách hàng “ép” giá nông sản.
Trong khi đó, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất thành lập Trung tâm Phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro.
Hiện nay, diện tích trồng thanh long ngày càng tăng, để tránh sản lượng ồ ạt làm giá giảm,... Long An kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì có phương án liên kết các tỉnh (trước mắt là 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Bình Thuận) về rải vụ trái thanh long. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc để tránh bị động khi có một thị trường xuất khẩu gặp khó khăn hoặc bị đóng cửa.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tất cả người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp áp dụng thực hiện, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trái thanh long tại các cửa khẩu của tỉnh biên giới phía Bắc nhằm kịp thời điều tiết, đồng thời tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản./.
Lê Đức