Cơ cấu thị trường
Đến cuối tháng 3/2020, toàn tỉnh có khoảng 9.209ha thanh long vào vụ thu hoạch, sản lượng ước 91.330 tấn (trong đó, đến cuối tháng 02/2020, diện tích thu hoạch khoảng 5.993ha, sản lượng 59.580 tấn; tháng 3/2020, diện tích thu hoạch khoảng 3.216ha, sản lượng ước 31.750 tấn). Hiện trên địa bàn tỉnh có 160 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ thanh long, trong đó có 154 cơ sở thu gom, sơ chế thanh long (có khoảng 100 cơ sở có kho lạnh bảo quản, trung bình khoảng 50 tấn/kho), ước khả năng tạm trữ, bảo quản khoảng 5.000-6.000 tấn thanh long, chủ yếu của các thương nhân người Trung Quốc nắm và điều hành; 6 cơ sở chế biến sản phẩm thanh long (rượu thanh long; thanh long sấy khô, dẻo; thanh long hạt lựu,...). Đến nay, tỉnh có 9.897ha thanh long được cấp mã số vùng trồng, 120 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp mã số kho đóng gói, 593,53ha được chứng nhận sản xuất theo VietGAP.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng bắt tay hành động nhằm tiếp sức người dân trồng thanh long
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc thông báo lùi thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng,… đã làm tồn đọng lượng lớn thanh long trong kho. Phần lớn các cơ sở thu gom thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua hoặc thu mua với giá thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp giúp tiêu thụ trái thanh long ở thị trường trong nước; đồng thời, lên kế hoạch cơ cấu lại thị trường cho loại trái cây này bằng cách mở rộng thị trường nhiều nước.
Tại buổi làm việc với tỉnh Long An vào ngày 11/02/2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc chuyển đổi cây trồng, trong đó cây thanh long với gần 12.000ha cho hiệu quả cao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thị trường Trung Quốc gặp khó khăn là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để Long An tái cơ cấu thị trường trái thanh long nói riêng, nông sản khác nói chung. Long An cần tổ chức lại thật tốt chuỗi giá trị cho trái thanh long, từ việc tạo kênh tiêu thụ nội địa rộng rãi để người dân cả nước dễ dàng dùng loại trái cây này đến mở rộng thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cùng với việc tiêu thụ trái thanh long tươi, Long An cần kêu gọi, mở rộng đầu tư, chế biến loại trái cây này nhằm đưa đi xa hơn, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn, hiệu quả lớn hơn. Bộ trưởng cũng nhiệt liệt ủng hộ các doanh nghiệp đầu ngành phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thoát cảnh “được mùa, mất giá”, thích ứng tốt hơn với biến động của thị trường và tình hình KT-XH.
Doanh nghiệp vào cuộc
Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng bắt tay vào hành động nhằm tiếp sức người dân trên địa bàn tỉnh và xa hơn nữa là đóng góp sáng kiến, đồng hành phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, chủ động, hiệu quả. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là đơn vị tham gia ngay từ đầu với nhiều hoạt động tích cực nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. SCB cũng là một trong những ngân hàng đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ tài chính cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu ngành vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường.
Tổng Giám đốc SCB - Võ Tấn Hoàng Văn chia sẻ: “Nông nghiệp là thành tố quan trọng của kinh tế quốc gia và nông dân đang chiếm đại đa số dân cư. Nhưng thị trường tài chính cho nông nghiệp luôn là lĩnh vực chứa nhiều rủi ro vì những yếu tố khách quan như “được mùa, mất giá”, dịch bệnh, thị trường,... Suốt thời gian qua, SCB có nhiều sản phẩm ưu đãi tín dụng hấp dẫn dành cho hợp tác xã nông nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tài chính cần thiết phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả, mạnh mẽ và lâu dài, chúng ta cần có một chính sách đặc biệt để hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này. Đặc biệt là với các doanh nghiệp đầu ngành, vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường”.
Tổng Giám đốc Công ty Lavifood (huyện Bến Lức) - Đặng Ngọc Cẩn cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên chế biến rau, củ, quả xuất khẩu đi các thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,… nên Lavifood đã và đang đầu tư xây dựng những nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất lớn. Hiện tại, công ty có 2 nhà máy đi vào hoạt động. Đó là nhà máy Lavifood (Long An), mỗi năm có thể cung ứng hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường và nhà máy Tanifood (Tây Ninh) với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy có thể xử lý hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày. Trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, để đồng hành, chia sẻ cùng người dân, công ty đã và đang mở rộng thu mua và chế biến thanh long với những sản phẩm đa dạng, chất lượng như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh,… trong đó có dòng sản phẩm nước thanh long tươi We Love 100% tự nhiên sắp được tung ra thị trường. Thời gian qua, công ty thu mua trên 1.000 tấn thanh long trên địa bàn tỉnh và vẫn đang tiếp tục thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Hiện chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các nguồn lực khác trong xã hội để chung tay phát triển nông nghiệp bền vững. Vừa qua, SCB, chuỗi siêu thị Co.opmart, Quỹ Khởi nghiệp xanh,… và Lavifood đã ký cam kết đồng hành cùng người dân Việt Nam”.
Cùng đồng hành với người dân còn có sự tham gia của Quỹ Khởi nghiệp xanh. Dịp này, Quỹ Khởi nghiệp xanh tổ chức thực hiện chương trình Love Farmers (Yêu thương nông dân) với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức thu mua và tiêu thụ thanh long, giải quyết tình trạng thanh long ùn ứ, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân,… Đặc biệt, Quỹ Khởi nghiệp xanh còn ký kết đặt hàng Lavifood nghiên cứu, phát triển và sản xuất riêng cho quỹ những nông sản chất lượng cao, hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe được làm từ thanh long để quỹ giới thiệu ra thị trường. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm này sẽ được tái đầu tư cho các chương trình hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp Việt.
Để “giải cứu” nông sản hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần kiến nghị: “Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh (hỗ trợ giá điện sản xuất tính bằng giá điện sinh hoạt từ giữa tháng 02/2020 đến cuối tháng 3/2020); hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi trong thời gian 6 tháng. Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất thành lập Trung tâm Phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro, tránh sản lượng ồ ạt làm giá giảm, vì hiện nay diện tích trồng thanh long ngày càng tăng; chủ trì phương án liên kết các tỉnh (trước mắt là 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận) về rải vụ trái thanh long; khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc để tránh bị động khi có một thị trường xuất khẩu gặp khó khăn hoặc bị đóng cửa; có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tất cả người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp áp dụng thực hiện, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trái thanh long tại các cửa khẩu của tỉnh biên giới phía Bắc để kịp thời điều tiết; đồng thời, tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản”./.
Huỳnh Phong