Tiếng Việt | English

16/10/2016 - 09:36

Thành phố Tân An: Tập trung phát triển thương mại-dịch vụ xứng tầm đô thị trung tâm

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nằm ngay trên trục phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Tân An tỉnh Long An có lợi thế về việc thông thương, cầu nối giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong cả nước. Đó là những điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tạo “sức bật” để phát triển mạnh mẽ thương mại-dịch vụ (TM-DV).

Trung tâm thương mại-dịch vụ tập trung 2 bên tuyến đường Hùng Vương hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp với nhiều loại hìnhLấy thương mại-dịch vụ làm trọng tâm

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy ngành TM-DV là cơ cấu trọng tâm trong phát triển kinh tế theo Quyết định số 4244/QĐ-UBND ngày 8-9-2015, trong đó, thành phố tập trung phát triển mạnh các loại hình hoạt động thương mại trên địa bàn bằng việc khuyến khích và tạo điều kiện cho thương nhân đầu tư mở các cửa hàng tiện ích, các đường phố chuyên doanh thương mại nhằm tạo nên mạng lưới kinh doanh được phân bố rộng rãi trên địa bàn, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân cư.

Cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng, lấy ngành TM-DV là “mũi nhọn”. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của thành phố luôn ở mức cao (trên 14,6%/năm), thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn như Công ty TNHH Nước khoáng Lavie, các công ty chế biến thủy, hải sản, trung tâm TM-DV, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ tiểu thương,... góp phần điều tiết, ổn định thị trường, đem lại giá trị cao trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố.

Những năm gần đây, hoạt động TM-DV trên địa bàn thành phố phát triển nhanh. 2 siêu thị Co.opMart và Điện máy Phan Khang với khoảng 30.000 mặt hàng phong phú, đa dạng, doanh thu phát triển ước đạt 36 tỉ đồng/tháng.

Phát triển TM-DV trọng tâm và hiệu quả, TP.Tân An từng bước phát triển dần các mạng lưới chợ về khu vực nông thôn nhằm rút ngắn khoảng cách giao thương giữa nội thành - ngoại thành, giữa nông thôn - thành thị, góp phần tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, hình thành những thương hiệu vùng đặc sản, nông sản đặc trưng của địa phương, thúc đẩy TM-DV nông thôn phát triển.

Trung tâm mua sắm điện tử, viễn thông nằm trên đường Hùng VươngGiám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt Ấn - Moutafa Khương Duy cho biết: Gần 30 năm hoạt động trong ngành điện máy, điện tử, viễn thông với 3 cơ sở nằm trên các tuyến đường chính của TP.Tân An, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Để tiếp tục thu hút đầu tư, góp phần phát triển loại hình TM-DV, TP.Tân An chú trọng quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị, trong đó, hoàn chỉnh hệ thống giao thông-vận tải, nhất là các trục vành đai thành phố. Đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến Quốc lộ (QL) 62, đường tránh QL1, tuyến Vành đai thành phố và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, đường Hùng Vương nối dài,... Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển các khu đô thị chức năng, mở rộng không gian đô thị, tạo điểm nhấn đồng bộ đô thị TP.Tân An, góp phần thúc đẩy phát triển TM-DV.

Tập trung mọi nguồn lực tạo “sức bật” để thành phố phát triển

Năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 14-7-2011 về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011-2020. Triển khai thực hiện chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển TP.Tân An đạt đô thị loại II trước năm 2020. Song song đó, việc quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc phát triển TM-DV nhằm xây dựng thành phố xứng tầm là đô thị trung tâm. Vấn đề quy hoạch nhằm phát triển mạng lưới TM-DV được ưu tiên hàng đầu.Thành phố triển khai quy hoạch trung tâm TM trên địa bàn phường 2, đưa vào khai thác hiệu quả trung tâm TM liên phường 1 và phường 3; xây dựng khu liên hợp đô thị, TM, thể dục-thể thao của tỉnh (nằm ở xã Lợi Bình Nhơn) và xây dựng hệ thống các khu trung tâm TM-DV đô thị tại nhà ga (xã Bình Tâm).

Co.opMart Tân An là trung tâm thương mại-dịch vụ với hơn 30.000 mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng

Hiện nay, việc xây dựng, nâng cấp và sửa chữa các khu chợ bằng các nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Trên địa bàn, 2 khu chợ được nâng cấp là chợ Rạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn), chợ Khánh Hậu (phường Khánh Hậu) và xây mới chợ xã Bình Tâm. Hệ thống trung tâm TM với các siêu thị lớn là Co.opMart, Việt Ấn, Điện máy Phan Khang, Điện máy Xanh cùng các siêu thị điện máy, viễn thông,... với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, giá cả và chất lượng bảo đảm không chỉ thu hút người tiêu dùng nội thành mà còn cả người dân tại các địa phương lân cận.

DV - giao thông-vận tải của thành phố tiếp tục được chú trọng đầu tư. Quy hoạch di dời Bến xe Long An về phường 4 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Kêu gọi đầu tư khu vực Bến xe Long An cũ theo hướng ngành kinh doanh DV. Duy trì và phát triển hệ thống kho, bãi, bến xe nhằm đáp ứng nhu cầu là trung tâm về vận tải đường bộ, thường thủy.

Thị trường tài chính trên địa bàn TP.Tân An với trên 30 chi nhánh ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tăng cường xúc tiến TM, đầu tư thông qua việc tổ chức các hội chợ hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần được phát huy hiệu quả. Các hội chợ, triển lãm, trưng bày hàng hóa là nơi để các doanh nghiệp, các cơ sở và hộ kinh doanh có dịp giới thiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, chủ động hội nhập và đặc biệt là thúc đẩy các quan hệ TM trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết: “TP.Tân An luôn xác định phát triển TM-DV - du lịch hiệu quả sẽ tạo “sức bật” cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, thành phố sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng TM-DV theo quy hoạch của tỉnh, phù hợp với đặc thù và quy mô phát triển dân số thành phố.

Thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với mục tiêu duy trì những chỉ số thành phần cao và cải thiện các chỉ số thành phần đạt thấp, thành phố tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế của mình nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển TM-DV.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích hợp tác công tư (PPP) trong việc đầu tư các dịch vụ công về TM, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế. Tập trung phát triển các ngành DV có lợi thế, tạo tiền đề, cơ sở cho tăng trưởng kinh tế nhanh như lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thông tin, vận tải,... phục vụ nhu cầu của người dân thành phố và các khu vực phụ cận.”

Hồng Phi

Chia sẻ bài viết