Tiếng Việt | English

24/08/2018 - 20:24

Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng: "Rào chắn" từ thói quen khó bỏ

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phố biến. (Nguồn: Vietcombank)

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phố biến. (Nguồn: Vietcombank)

Phát biểu tại hội thảo "Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Lao động tổ chức ngày 24/8, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt là hướng tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần triển khai hiệu quả Đề án 241.

Đem lại nhiều lợi ích

Đề án 241 về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua hồi tháng Hai, được xem là một dấu mốc quan trọng để xóa bỏ thói quen dùng tiền mặt hàng ngày trong lưu thông của xã hội và có ý nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng về thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. 

Đề án nêu rõ một số mục tiêu như đến năm 2020 sẽ có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; ...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Đề án ngay từ khi xây dựng đến khi được phê duyệt đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ các cơ quan bộ ngành.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các Bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã chuẩn bị hạ tầng căn bản như thanh toán hiện đại, chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử, hỗ trợ thu chi hộ, ví điện tử tại trung gian thanh toán.

Cũng theo ông Dũng, việc thu tiền điện hiện nay đã có những đột phá, đó là toàn bộ hoá đơn điện đã được thanh toán trên điện thoại di động (mobile). Toàn bộ hoá đơn tiền điện hiện lên mobile khách hàng thì lập tức, ngân hàng trả hộ ngay. Nhiều khách hàng không biết, trả một lần nữa thì phần mềm cũng không cho trả.

Ngay từ năm 2005, đã có 4 ngân hàng Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank (ngày đó là ICB) ký kết với với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để triển khai thu tiền điện qua ngân hàng. Tuy nhiên cũng phải đến năm 2015, EVN mới bắt đầu đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng và trung gian thanh toán.

Đến năm 2017, tập đoàn đã không còn thu ngân viên của điện lực đến nhà khách hàng thu tiền khi mà tập đoàn đã hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN cho biết, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng và trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm từ 14,88% số khách hàng năm 2015 lên 44,95% số khách hàng năm 2017 và tỷ lệ thu tiền điện luôn đạt trên 99,7%.

“Để tạo nên con số ấn tượng như vậy, chúng tôi đã trải qua một quá trình nỗ lực không ngừng trong quá trình giảm dần và tiến tới chấm dứt thu tiền tại nhà thay bằng thu trực tuyến,” ông Dũng chia sẻ.

Còn ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, từ tháng 4/2013, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được mở rộng trên địa bàn toàn quốc.

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành trong toàn quốc thực hiện chi trả qua 2 hình thức là tiền mặt và qua ATM. Đến năm 2017, có khoảng 15% và đến tháng 2/2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, nhưng tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. 

Một lĩnh vực khác cũng được các ngân hàng phối với hợp khá tốt là thu thuế qua ngân hàng. Ông Nguyễn Trọng Quang, Phó Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn cho biết, tính đến tháng Bảy, đã có 662.667/677.443 doanh nghiệp đang hoạt động đã kê khai thuế điện tử với các cơ quan thuế, chiếm 97,78%. Số tiền nộp thuế qua kê khai thuế điện tử là 373.562 tỷ đồng/651.053 tỷ đồng, chiếm 57,35% trên tổng số thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý.

Theo ông Quang, việc kê khai thuế điện tử đối với thuế nhà đất đã triển khai 17 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 15 tỉnh miền Bắc. Trong đó, việc kê khai thuế điện tử đảm bảo tính minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và hạn chế tiêu cực.

Các đại biểu tại hội thảo. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Các đại biểu tại hội thảo. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Vẫn có những thói quen khó bỏ

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng hiện gặp phải không ít trở ngại.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế. 

Điều này được ông Phạm Thanh Du chỉ ra có nhiều lý do để các đối tượng nhận lương, chế độ chính sách xã hội chưa từ bỏ thói quen nhận tiền mặt và đó là một trở ngại để hiện thực hoá phương thức thanh toán điện tử qua ngân hàng.

“Có cụ không muốn thanh toán, chi trả qua ngân hàng vì sợ con cháu biết, có cụ thì không biết sử dụng smartphone hay muốn cất một cục tiền trong túi để mua sắm cho thoải mái. Ngoài ra nhiều cụ chỉ vì lý do đến tận nơi lĩnh lương để còn được gặp gỡ trò chuyện với đồng nghiệp của mình nên không cho con cháu đăng ký nhận lương qua chuyển khoản,” ông Du nói.

Đối với nộp tiền điện, nước qua ngân hàng cũng có nhiều cái khó như tại khu vực nông thôn, việc thanh toán qua ngân hàng không có điểm, quầy. Các ngân hàng chủ yếu ở mặt đường lớn, tập trung ngoài đường, khu vực phát triển, nên khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức thanh toán. Chưa kể, ngân hàng chỉ làm việc trong giờ hành chính, ngoài giờ muốn đóng tiền cũng khó.

VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, truyền hình…), đồng thời tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến cho hơn 150 bệnh viện.

Bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing VietinBank cho biết, ngân hàng kết hợp thu tiền mặt trong bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định phát hành thẻ, chỉ quy định mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ và bệnh nhân, không quy định đơn vị trung gian phối hợp là bệnh viện nên khi triển khai ở bệnh viện nào, ngân hàng lại phải có một quầy giao dịch tại đó. Điều này gây nhiều bất tiện cho cán bộ ngân hàng.

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế rất quan tâm tới vấn đề thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thu viện phí bằng tiền mặt tập trung chủ yếu ở các viện trung ương và hiện nay đã có 5-6 ngân hàng hợp tác với các bệnh viện để thu viện phí qua ngân hàng nhưng ngân hàng mới chỉ thu hộ và một số ít bệnh viện có phát hành thẻ thanh toán nhưng thẻ đó chưa giải quyết được vấn đề vì người dân vẫn phải mang tiền nộp vào thẻ rồi đi khám nên vẫn dùng tiền mặt.

Đại diện Bộ Y tế kiến nghị phải có hệ thống rõ ràng giúp người dân có thẻ ATM lấy trực tiếp từ thẻ để nộp viện phí. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư của nhà nước cho các bệnh viện rất thấp, thiết bị chữa bệnh còn không đủ nên khó nâng cấp hệ thống.

Ông Liên cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Y tế và kiến nghị Chính phủ cho phép gửi tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc thu chi, đồng thời các ngân hàng cũng cần đồng bộ hệ thống để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán, bởi người dân không chỉ khám ở một viện mà còn khám ở nhiều viện khác nhau./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Gia hạn Chữ ký số công cộng giá rẻ