Tiếng Việt | English

10/08/2019 - 08:55

Thanh Vĩnh Đông: Người dân cù lao nơm nớp lo sợ sạt lở

Thời gian qua, sạt lở đất là nỗi ám ảnh của người dân sống dọc theo các tuyến sông, nhất là các cù lao. Trước tình trạng sạt lở ngày càng gay gắt, không ít cù lao đã bị “nuốt” mất rất nhiều diện tích, thậm chí có cù lao đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nhiều căn nhà bị xóa sổ

Theo thời gian, nhiều phần đất của người dân ở cù lao Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An giờ chỉ còn trên giấy. Bởi, nó đã bị sạt lở xuống sông từ nhiều năm trước. Những ngôi nhà từng là mái ấm của người dân giờ cũng bị “khai tử” vì sạt lở. 

Bà Nguyễn Thúy Kiều, ngụ ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, cho biết: “Trước đây, con sông này nhỏ và cạn lắm. Người dân chỉ cần xắn quần là có thể lội bộ về đất liền. Gia đình tôi có căn nhà ở gần sông. Tuy nhiên, sạt lở riết, căn nhà cũng sập. Thấy vậy, gia đình tôi mua miếng đất cất nhà cách sông 20m. Sau thời gian sạt lở, giờ căn nhà của gia đình tôi đang đứng trước nguy cơ rơi xuống sông lúc nào không hay một lần nữa. Không chỉ gia đình tôi mà những hộ xung quanh cù lao cũng luôn nơm nớp lo sợ, bởi không biết sẽ đi đâu, về đâu?”.

Được biết, xã Thanh Vĩnh Đông có 2 cù lao thuộc ấp Xuân Hòa 2 và ấp Vĩnh Viễn với 76 hộ dân sinh sống. Nhưng do cù lao nằm dọc theo sông Tra - tuyến sông huyết mạch về các tỉnh miền Tây nên lượng tàu, ghe lưu thông qua khu vực này rất nhiều. Ngoài ra, tốc độ dòng chảy cũng thay đổi, gây ra hiện tượng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, khoét sâu và “nuốt” hơn 50% diện tích đất cù lao. 

Trước những rủi ro luôn chực chờ, nhiều người có điều kiện đã bỏ cù lao để “thoát thân”, còn người nghèo, cận nghèo có nhà trong vùng nguy cơ sạt lở cao được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Tại đây, giờ chỉ còn 44 hộ dân sinh sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Người dân muốn qua đất liền đi làm thuê, học sinh đến trường đều phải cậy nhờ đò đưa. Đặc biệt, vào mùa mưa, bão, người dân cù lao nhiều lần phải sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Đời sống của người dân cù lao phải chịu cảnh thiếu thốn trăm bề, thậm chí còn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập

Chị Ngô Thị Vàng, ngụ ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, cho hay: “Nhiều khi đau ốm, nhà nào có xuồng thì đưa người thân đi sớm, còn không phải chờ đợi người đưa đò rất lâu mới được đi. Ngoài ra, ai đi làm thuê về trễ phải mướn nhà trọ ngủ lại, xe thì phải gửi bên đất liền với giá 60.000-70.000 đồng/tháng. Ở đây, phương tiện đi lại rất khó khăn. Người dân cù lao mong chính quyền địa phương sớm có phương án hỗ trợ di dời, chứ sống trong cảnh này rất lo, đồng thời cũng không an tâm làm việc”. 

Hầu hết hộ dân ở 2 cù lao thuộc ấp Xuân Hòa 2 và Vĩnh Viễn đều sống bằng nghề làm thuê hoặc đánh bắt cá nên rất khó khăn. Ngoài ra, điều kiện sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất; trẻ em không có điều kiện vui chơi, giải trí,... thậm chí phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.

Chủ tịch UBND xã Thanh Vĩnh Đông - Đỗ Thành Hải chia sẻ: “Chúng tôi rất đau lòng khi người dân địa phương sống trong cảnh thiếu thốn, nguy hiểm rình rập. Xã kiến nghị huyện, tỉnh sớm có phương án hỗ trợ di dời các hộ dân còn lại nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, nhất là vào mùa mưa, lũ sắp tới”. 

Tình trạng sạt lở đất diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ nước sông sẽ “nuốt chửng” các cù lao là rất có thể xảy ra. Để người dân không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở thì việc di dời họ đến nơi an toàn cần sớm được giải quyết./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết