Góp ý vào dự án Luật đấu giá tài sản, Đại biểu Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng, rất cần thiết phải ban hành Luật đấu giá tài sản, nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khuôn pháp lý, điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập tồn tại hiện nay, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá tài sản.
Đại biểu Thân Đức Nam chỉ rõ, thực trạng thực tiễn đấu giá tài sản trong thời gian vừa qua do khuôn pháp luật thiếu chặt chẽ, đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, có tiêu cực trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, xuất hiện hiện tượng “quân xanh quân đỏ” trong hoạt động đấu giá… đã làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
“Từ kinh nghiệm đấu thầu dự án theo luật định của đấu thầu, tình trạng thông thầu xảy ra thường xuyên và bất luận doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết nhưng vẫn xem xét đúng quy trình thủ tục theo luật. Do đó, dự án luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để những chỗ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật pháp có liên quan khác”, Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng công tác đấu giá còn nhiều kẽ hở làm Ngân sách Nhà nước thất thoát rất lớn.
Đại biểu Thân Đức Nam dẫn chứng, ở một địa phương giao cho một trung tâm đấu giá 3 ha đất, trong tiêu chí đưa ra đấu giá là phải quy hoạch khu này thành trung tâm thương mại. Trong khi giá khởi điểm là 30 triệu đồng, tất cả các nhà đầu tư đến nghiên cứu và tham khảo thì người ta thấy ở đây không khả thi và không mua hồ sơ để đấu giá.
Tuy nhiêu sau đó không lâu, một nhà đầu tư khác đến được chỉ định mua hồ sơ để đấu giá dự án này. Sau khi mua hồ sơ chỉ mấy tháng, nhà đầu tư xin chuyển đổi mục đích, từ một trung tâm thương mại chuyển đổi thành chia lô, thành khoảng 6 lô, mỗi lô 5.000 m2 được xây dựng chung cư và xây dựng khách sạn. “Từ mức giá khởi điểm 30 triệu đồng, sau đó giá đất trở thành 60 triệu chỉ cần qua bước thay đổi quy hoạch, đây là một cái bẫy đấu thấu đối với các nhà đầu tư khác”, Đại biểu Thân Đức Nam cho biết.
Đánh giá từ dẫn chứng trên, Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, công tác đấu thầu, đấu giá còn nhiều kẽ hở đã làm Ngân sách Nhà nước thất thoát rất lớn. Ngay từ mức giá 30 triệu đồng lên 60 triệu đồng có nghĩa là giá trị dự án đã tăng giá 100%, nhưng chênh lệch này ngân sách không thu được.
Do đó, Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, cần quy định lại và đưa ra tiêu chí đấu giá đúng như quy định phải theo quy hoạch và thiết kế như ban đầu. Trong trường hợp không làm đúng theo quy định, khi có điều chỉnh quy hoạch vì lý do khách quan, phải bắt buộc nhà đầu tư nộp thêm tiền vào Ngân sách Nhà nước. Nếu không làm được điều này, người đưa ra đấu giá, đưa ra chủ trương phải chịu trách nhiệm với nhà nước vì đã làm thất thoát Ngân sách Nhà nước
“Cần đưa vào Luật quy định xử lý vi phạm làm thất thoát Ngân sách Nhà nước. Bởi vì nếu đấu thầu các nhà công sản của Nhà nước mà không đưa vào quy định thì rất có thể Nhà nước còn thất thu nhiều hơn nữa”, Đại biểu Thân Đức Nam cảnh báo.
Ngoài ra, Đại biểu Thân Đức Nam còn cho rằng, quyền lợi của người đấu giá tài sản tại các phiên đấu giá hiện nay không được đảm bảo. Nhiều trường hợp trùng, trúng đấu giá, hoặc đã thanh toán tiền nhưng chậm bàn giao tài sản với nhiều lý do khác nhau, đã dẫn đến tình trạng tranh chấp pháp lý về tài sản chưa được giải quyết, phải chờ đợi Tòa án xử lý... gây thiệt hại cho những người trúng đấu giá. Trong khi các cơ quan, tổ chức đấu giá không hề chịu trách nhiệm gì đã gây mất niềm tin cho người tham gia đấu giá./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN