Tiếng Việt | English

19/01/2019 - 03:00

Thí điểm Mobile Money: Phải kiểm soát dòng tiền tránh rủi ro

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: gadget.co.za)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: gadget.co.za)

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi nghe báo cáo trình bày của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc sẽ thí điểm Mobile Money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân để kích thích kinh tế tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Đưa ra quan điểm của mình về đề xuất này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ chủ trương của Chính phủ là một nền kinh tế muốn phát triển thì sẽ phải hạn chế dần dần việc thanh toán bằng tiền mặt, vì tiền mặt để lại nhiều hậu quả khó lường.

Ông Hiếu phân tích, một nền kinh tế mà dùng đến nhiều tiền mặt thì sẽ dẫn đến nhiều chi phí về in tiền, người dân giữ tiền mặt có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn của mỗi người như bị cướp giật, trộm cắp. Ngoài ra, mặt là phương tiện thanh toán không để lại dấu vết. Dùng tiền mặt sẽ tạo ra môi trường thuận tiện cho rửa tiền, tạo ra phương tiện 'hỗ trợ' cho tham nhũng và những hoạt động phi pháp, kể cả trốn thuế… 

Chính vì vậy chủ trương của Chính phủ muốn thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử, qua tài khoản, qua chuyển khoản… Những giao dịch đó sẽ để lại dấu vết nên sẽ giảm thiều nhiều tệ nạn xã hội và cũng đỡ chi phí cho Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng băn khoăn hiện chưa rõ Chính phủ có cho phép người dùng sử dụng tiền mặt nạp vào tài khoàn điện thoại hay phải liên kết với ngân hàng. Chuyên gia này ủng hộ việc phải liên kết với ngân hàng để tránh vấn đề rửa tiền cũng như tiền phạm pháp. 

"Nếu không liên kết với ngân hàng thì nhiều đối tượng có thể dùng tiền từ buôn lậu, buôn bán ma túy, mại dâm…. nộp tiền mặt vào ví điện tử để thanh toán mà tiền trong ví điện tử lại là tiền sạch. Đây là một loại tội phạm có thể dùng để rửa tiền," ông Hiếu nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Hiếu chia sẻ, nếu liên kết với ngân hàng thì sẽ có trở ngại là hiện tại mới có khoảng 30% người dân có tài khoản ở các ngân hàng và nếu làm như vậy thì loại trừ 70% người dân ở bên ngoài nên đây là bài toán hết sức khó khăn. 

Để giữ trung hòa, vị chuyên gia này đưa ra giải pháp là nộp tiền vào ví điện tử nhưng phải để giới hạn, ví dụ tối đa chỉ khoảng 50 triệu đồng, vì số tiền này cũng không thể rửa tiền được nhiều. 

"Nếu như không giới hạn số tiền thì sẽ có nhiều trường hợp bỏ 'tiền bẩn' vào ví điện tử có thể lên đến hàng tỷ đồng, rồi họ dùng ví điện tử đó mua nhà, mua xe ôtô… vô tình lại tiếp tay cho rửa tiền," ông Hiếu nói.

Dù phương án nào được thực thi thì theo ông Hiếu quan trọng nhất là cần phải kiểm soát được nguồn tiền để tránh rủi ro.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, chủ trương là đúng nhưng muốn đẩy nhanh trong một hai năm tới thì không thể làm được vì thói quen tiêu dùng tiền mặt tại Việt Nam đã ăn sâu, ai không có ít tiền mặt trong túi là đi ra ngoài đường không yên tâm vì nhiều nơi bán hàng, cửa hàng ăn uống chỉ chấp nhận giao dịch bằng tiền mặt.

Trả lời câu hỏi nếu đề án này đi vào cuộc sống liệu có ảnh hưởng đến các ngân hàng truyền thống hay không, ông Hiếu cho rằng, không ảnh hưởng vì nếu nền kinh tế đi vào phi tiền mặt thì sẽ tốt, thậm chí còn hỗ trợ cho ngành ngân hàng. Mặc dù số tiền gửi của khách hàng có thể sẽ đi vào kênh khác mà không nằm ở ngân hàng nhưng số đó không nhiều. Bên cạnh đó, đây chỉ là trong khía cạnh thanh toán, còn ngân hàng truyền thống có nhiều dịch vụ khác như huy động, cho vay.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích