Tiếng Việt | English

11/03/2021 - 23:30

Thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dịch vụ, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Long An đang phát triển khá nhanh. Năm 2020, chỉ số TMĐT của tỉnh xếp hạng thứ 18, trong đó, chỉ số nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin đều tăng điểm.

Mua sắm tiện lợi

Chị Khấu Thị Minh Thư (phường Tân Khánh, TP.Tân An) cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm trên các sàn TMĐT thuận lợi hơn. Chỉ cần ở nhà, chọn sản phẩm muốn mua, vài ngày sau, hàng hóa được giao tận nơi. Cách mua sắm như thế mang lại lợi ích kép: Người mua đỡ tốn thời gian đi ra ngoài, có thể lựa chọn mua sắm ở các đợt giảm giá, khuyến mãi. Hơn nữa, sản phẩm bán cũng khá đa dạng với nhiều thương hiệu trong và ngoài nước”.

Còn Chị Nguyễn Thị Minh (phường 4, TP.Tân An) cho rằng: “Nếu biết cách mua sắm qua sàn TMĐT, người mua sẽ chọn lựa được sản phẩm chính hãng, đúng giá nhà sản xuất đưa ra. Người mua có thể theo dõi được đường di chuyển sản phẩm từ lúc xuất kho và đến khi nhận. Người mua có thể kiểm tra, từ chối nhận hàng nếu không đúng như mẫu đã đặt. Người mua cũng có thể đánh giá về chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ sau khi sử dụng”.

Để doanh nghiệp tại Long An có thể tham gia bán hàng TMĐT, thời gian qua, các cơ quan chức năng luôn quan tâm, triển khai các chương trình phát triển TMĐT, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hiện có 180 gian hàng tham gia sàn TMĐT tỉnh với trên 478 sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng tốt TMĐT vào sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, chỉ số TMĐT tỉnh đạt 43 điểm (tăng 6,4 điểm so với năm 2019), xếp hạng thứ 18, tăng 12 hạng so với năm 2019. Trong đó, điểm số của các chỉ số thành phần như chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ số về giao dịch B2C, chỉ số về giao dịch B2B đều tăng điểm.

Minh họa: Internet

Phải tiêu dùng thông minh

Theo nhận xét của Cục TMĐT và Kinh tế số, nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam. Đây là hình thức mua sắm không mới, thu hút và mang đến trải nghiệm mua sắm tốt cho người tiêu dùng. Do Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh nên được nhiều nhãn hàng, nhà bán lẻ, nhà đầu tư nhắm đến. Theo nhận xét của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 - Nguyễn Hùng Tuyên, việc mua sắm thông qua hình thức TMĐT chưa khi nào tiện lợi như thời điểm này nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, người mua phải tiêu dùng thông minh, tỉnh táo khi chọn lựa sản phẩm, hạn chế mua hàng qua mạng xã hội, nhất là người bán không quen biết để tránh bị lừa đảo hoặc mua phải hàng kém chất lượng.

Thời gian qua, qua công tác kiểm tra, nắm địa bàn và theo dõi việc bán hàng thông qua hình thức TMĐT, các trang mạng xã hội, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm kém chất lượng, chưa đăng ký kinh doanh cũng như công bố chất lượng. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Đội kiểm tra, phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm trong hoạt động TMĐT, thu nộp ngân sách 75 triệu đồng. Cả 3 trường hợp có hành vi vi phạm là lập website bán hàng TMĐT nhưng không thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website bán hàng theo quy định.

Ông Nguyễn Hùng Tuyên cho rằng, hiện nay, TMĐT đang phát triển mạnh nhưng nếu người tiêu dùng không cẩn trọng lựa chọn trang bán hàng thì dễ “sập bẫy”, "tiền mất tật mang". Bởi nhiều website bán hàng giả mạo, không được sự phê duyệt của cơ quan chức năng, bán hàng không đạt chất lượng, chưa qua kiểm soát, không có xuất xứ rõ ràng,... làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích