Tiếng Việt | English

25/11/2016 - 14:25

Thiệt hại do đổi mã vùng điện thoại, ai đền bù?

Việc đổi mã vùng điện thoại cố định chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp khi họ buộc phải thay đổi toàn bộ mẫu mã, bao bì, pano, bảng hiệu, cataloge, quảng cáo… có in số điện thoại liên hệ.

Nhân viên VNPT TP.HCM trao đổi với khách hàng qua điện thoại cố định - Ảnh: Hữu Hòa
Từ ngày 11-2-2017, mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh thành trong cả nước, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM, sẽ bắt đầu được điều chỉnh.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh thành; giai đoạn 2 bắt đầu từ 15-4-2017, áp dụng đối với 23 tỉnh thành và giai đoạn 3 từ 17-6-2017, áp dụng cho 23 tỉnh thành còn lại.

Đối với mỗi giai đoạn, trong khoảng thời gian 30 ngày sau khi chính thức chuyển đổi, người dân có thể sử dụng song song mã vùng mới và cũ khi quay số.

Trong tối thiểu 30 ngày tiếp theo, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ tiếp tục cung cấp âm thông báo hướng dẫn việc sử dụng mã vùng mới bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Bộ Thông tin - truyền thông cho biết mã vùng điện thoại cố định của tất cả các tỉnh thành sẽ được chuyển đổi về đầu số 2. Ví dụ, mã vùng điện thoại cố định của Hà Nội sẽ được chuyển từ 4 thành 24 và của TP.HCM là từ 8 thành 28, một số tỉnh khác sẽ bị thay đổi hoàn toàn.

Theo đó, kho số quốc gia sẽ thu lại được nhiều đầu mã 10 chữ số để dành cho thuê bao di động, từng bước “khai tử” thuê bao 11 số, góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, vốn chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 số.

Việc thay đổi này trước mắt chắc chắn sẽ gây bất tiện cho các cơ quan, doanh nghiệp khi họ chủ yếu sử dụng điện thoại cố định. Không những phải thay đổi những sản phẩm có in số điện thoại, họ còn phải chủ động liên hệ với các đối tác kinh doanh để thông báo về việc đổi mã vùng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài.

Người bị ảnh hưởng không chiếm tỉ lệ cao?

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó cục trưởng Cục Viễn thông - cho rằng các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam nên tác động thực sự của việc chuyển đổi mã vùng là không nhiều.

Bày tỏ thắc mắc về nhận định này, bạn đọc Trần Tuấn nói: “1,6% dân số VN xấp xỉ khoảng 1,5 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi mã vùng. Như thế liệu có nhiều không?

Hơn nữa số lượng này chủ yếu là các doanh nghiệp - nguồn thu của đất nước. Họ bị thiệt hại về kinh tế thì chẳng phải đất nước cũng bị thiệt hại về kinh tế sao? Đừng chỉ dựa vào con số 1,6% mà nên có thống kê sơ bộ xem sẽ thiệt hại bao nhiêu về mặt kinh tế”

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, khi đổi mã vùng, họ sẽ phải thông báo cho các đối tác, đồng thời vẫn lo sợ việc thay đổi số liên hệ làm mất khách hàng, mất mối liên hệ.

Ở một khía cạnh khác, chị Hương Giang (Q.Bình Tân) cho rằng không chỉ doanh nghiệp mà cả những người có người thân hoặc có con đi du học nước ngoài cũng đều rất lo lắng trước việc chuyển mã vùng điện thoại.

“Con tôi đi du học, tất cả hồ sơ giấy tờ của cháu đều có ghi số điện thoại cố định ở nhà, bây giờ đổi mã vùng thì cháu cũng phải làm thủ tục thay đổi thông tin, không biết có phức tạp không, lại ảnh hưởng đến việc học hành nữa”, chị Giang nói.

Nhiều người cũng có cùng nỗi băn khoăn, liệu bạn bè, người thân ở nước ngoài của họ vài năm sau khi đổi mã vùng mới liên hệ thì không biết có được không? Họ không được biết thông tin về việc thay đổi này thì phải chăng là mất luôn liên lạc?

Đồ họa: Vĩ Cường
Nên kéo dài thời gian chuyển đổi

Trao đổi về vấn đề này, ông Đống Lương Sơn, tổng giám đốc Công ty du lịch Yasaka - Sai Gon - Nha Trang cho rằng nên kéo dài thời gian chuyển đổi mã vùng, cụ thể là thời gian người dân có thể sử dụng song song mã vùng mới và cũ và thời gian có âm thông báo về việc sử dụng mã vùng mới bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Việc kéo dài thời gian này trước hết là để các doanh nghiệp kịp sử dụng hết các sản phẩm có in số điện thoại cũ.

Lấy ví dụ như các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn có rất nhiều sản phẩm in số điện thoại như tờ rơi, thẻ hành lý, menu, danh thiếp, vật lưu niệm, đồ đạc trong phòng khách sạn, vật trang trí,… Các công ty thường in lại bao bì những sản phẩm này khoảng 3-6 tháng một lần, tùy vào lượng tiêu thụ.

Do vậy, cần thời gian để các đơn vị này sử dụng hết sản phẩm đã in và in sản phẩm mới trước khi chính thức đổi mã vùng.

Theo ông Sơn, thời gian thông báo trước khi đổi mã vùng mới nên từ 6 tháng đến 1 năm, thời gian chuyển đổi nên từ 3-6 tháng.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thời gian cho phép sử dụng cả 2 mã vùng và thời gian có âm báo khi quay mã vùng cũ nếu tổng cộng chỉ có 60 ngày là chưa đủ.

Không còn cách nào khác là phải chủ động

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc công ty Thuế Kế toán luật Việt Á - việc đổi mã vùng là bắt buộc trên phạm vi toàn quốc, các doanh nghiệp vì thế không còn cách nào khác ngoài việc chủ động thông tin cho đối tác và khách hàng nếu không muốn hoạt động kinh doanh của mình bị gián đoạn.

Có thể sử dụng nhiều hình thức thông báo như gửi văn bản, viết mail, đối với đối tác, khách hàng thân thuộc thì có thể nhắc lại bằng cách gọi điện, nhắn tin. Ngoài ra còn cần đăng thông tin này rộng rãi lên trang điện tử, fanpage, trang mạng xã hội,… để khách hàng và đối tác tiềm năng dễ dàng thấy được.

“Vai trò chủ động của các doanh nghiệp vì vậy rất quan trọng. Không nên để khách hàng tự tìm xem mã vùng mới của mình là gì, vì điều này là thiếu chuyên nghiệp, không tạo dựng được hình ảnh tốt. Cần đặc biệt chú ý đến nhóm khách hàng, đối tác nước ngoài”, ông Tuấn khuyên./.

Võ Hương - Mai Nguyễn/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích