Tiếng Việt | English

27/04/2022 - 08:57

Thiết thực chăm lo cho người có công, gia đình chính sách

Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách, các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực vận động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo, giúp đỡ những người có công với cách mạng, gia đình chính sách có cuộc sống ổn định hơn, thực hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thể hiện lòng tri ân

Trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hiện có 1.208 hộ chính sách và gia đình người có công với cách mạng. Thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ, chăm lo cho các gia đình. Vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết Nguyên đán,... lãnh đạo huyện và các địa phương tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, tạo không khí thân tình, mang đậm tính nhân văn.

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thủ Thừa, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, huyện đã tổ chức thăm, tặng quà cho các hộ chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn với tổng kinh phí gần 573 triệu đồng, trong đó kinh phí huyện 42,5 triệu động, kinh phí vận động xã hội hóa trên 530 triệu đồng. Việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Lãnh đạo địa phương thường xuyên đến thăm, động viên thương binh Nguyễn Hồng Sơn

Trở lại xã Nhị Thành, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Hồng Sơn (ấp 5) là thương binh loại 1/4. Năm nay, ông Sơn đã bước sang tuổi 83, những vết thương do chiến tranh để lại cùng với căn bệnh tim hành hạ nên sức khỏe của ông suy giảm nhiều. Đôi mắt của ông không còn trông thấy nữa nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Ông Sơn nói: “Nếu không được hỗ trợ, gia đình tôi sẽ không đủ khả năng sửa chữa căn nhà này. Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước”.

Dù tuổi cao nhưng ông Sơn còn rất minh mẫn. Ông nhớ rõ từng trận đánh và kỷ niệm chiến đấu với đồng đội năm xưa. Theo lời kể, ông bị thương do trái nổ trong trận đánh tại Lương Hòa (huyện Bến Lức ngày nay). Vết thương rất nặng khiến ông phải điều trị trong suốt nhiều năm liền. Những lúc trái gió, trở trời, ông vẫn phải chịu đựng những cơn đau tưởng chừng không thể vượt qua được. Ông Sơn bộc bạch: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, còn được sống, được nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Tôi cảm thấy rất ấm lòng”.

Tri ân những người đã ngã xuống và hy sinh cho quê hương, không riêng gì ông Sơn mà tất cả đối tượng, gia đình chính sách đều được quan tâm, chăm lo tốt. Cán bộ LĐ-TB&XH xã Nhị Thành – Trần Thị Trúc Mai cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 25 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 31 thương binh, 10 bệnh binh,... Các gia đình chính sách, người có công đã có nhà ở ổn định. Tuy nhiên, một số căn xây dựng đã lâu, nay xuống cấp, xã đang vận động, dự kiến hỗ trợ sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa trong năm 2022”.

Chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trong niềm tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Nữ. Ở tuổi 91, mẹ đang sống an yên cùng người con trai thứ 5 và các cháu trong căn nhà tường khang trang ở ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ. Ông Nguyễn Văn Năm (con của mẹ Nữ) chia sẻ: “Từ khi được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2014, địa phương cùng nhiều tổ chức, cá nhân thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ nhân các dịp lễ, tết. Đây chính là niềm tự hào, nguồn động viên tinh thần to lớn với gia đình chúng tôi”.

Mẹ Võ Thị Nữ (xã Quê Mỹ Thạnh) đang sống yên vui cùng con cháu và được Đảng, Nhà nước chăm lo, phụng dưỡng

Được biết, mẹ Nữ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Tây và con trai thứ 3 là liệt sĩ Nguyễn Văn Lớn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nỗi đau quá lớn biến thành sức mạnh để mẹ tiếp tục sống, nuôi các con khôn lớn và làm cách mạng. Trong chiến tranh, mẹ nuôi giấu và tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhà của mẹ là nơi thường xuyên bị địch ruồng bố nhưng mẹ kiên quyết không khai nửa lời, vẫn một lòng đi theo cách mạng. Ngoài danh hiệu cao quý, bản thân mẹ còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Ngọc Vệ thông tin: Trên địa bàn huyện có 407 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 12 mẹ còn sống; 1.689 liệt sĩ, 1.539 gia đình liệt sĩ, 146 thương binh, 52 bệnh binh, 209 người có công với cách mạng,... Cùng với quan tâm xây, sửa nhà ở, những đối tượng người có công, gia đình chính sách trong huyện đều được thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp đầy đủ, Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được nhận phụng dưỡng suốt đời.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vệ, năm 2021, huyện Tân Trụ đã vận động nhiều nguồn lực xã hội hóa xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng; sửa chữa 4 căn với kinh phí 270 triệu đồng. Những tháng đầu năm 2022, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục vận động xây dựng và sửa chữa 4 căn với tổng kinh phí 230 triệu đồng; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 106 triệu đồng, trong đó cấp xã vận động trên 101 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Cùng với Tân Trụ, Thủ Thừa, hàng năm, các địa phương khác trong tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Mỗi căn nhà, mỗi phần quà được trao tặng dù không thể bù đắp được những mất mát, hy sinh của các gia đình chính sách, người có công nhưng cũng phần nào xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra; đồng thời, khẳng định lòng biết ơn, kính trọng đến những người đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc để tất cả chúng ta được hưởng nền hòa bình, độc lập như ngày nay./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết