Tiếng Việt | English

07/03/2023 - 10:50

'Giữ lửa' nghề điêu khắc gỗ

Từ những phiến gỗ vô tri khi qua bàn tay khéo léo của anh Ma Đình Luật và anh Nguyễn Lam đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sống động. Đến với nghề này đã khó bởi đòi hỏi sự khéo léo và cái nhìn tinh tế thì gắn bó với nghề càng khó hơn bởi người thợ phải thật sự đam mê và dành hết tâm huyết cho nghề.

Điêu khắc gỗ là nghề có từ lâu đời ở Việt Nam. Nhắc đến "cái nôi" của nghề, nhiều người nhớ đến làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Canh Nậu, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội); La Xuyên (Nam Định);... Từ những làng nghề này xuất hiện những nghệ nhân, người thợ tài hoa với tác phẩm điêu khắc tinh xảo.

Anh Ma Đình Luật đam mê nghề điêu khắc gỗ

Những năm gần đây, nhiều người miền Nam có nhu cầu xây dựng nhà kiểu cổ, thiết kế những bức hoành phi, câu đối, tranh gỗ,... với vô số hoa văn, họa tiết cầu kỳ thì các nghệ nhân, thợ điêu khắc miền Bắc, miền Trung bắt đầu "Nam tiến". Tại đây, họ không chỉ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn góp phần truyền nghề cho những ai muốn theo nghề truyền thống này. Anh Nguyễn Lam và anh Ma Đình Luật là những người như thế. Được biết, 2 anh quê ở Phú Yên, là thợ chuyên điêu khắc tượng gỗ. Thông qua kênh YouTube Nguyễn Lam, một người dân huyện Cần Đước mời anh Lam, anh Luật vào điêu khắc 2 tượng gỗ với chiều cao trên 3m. Tại đây, các anh được chủ nhà đối đãi như những vị khách quý.

Với đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Lam tạo ra tác phẩm gỗ độc đáo

Anh Nguyễn Lam cho hay: “Tôi vào Long An điêu khắc tượng gỗ được hơn 1 tháng. Chủ nhà là người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp nên tạo điều kiện cho chúng tôi thỏa sức sáng tạo, không cần phải bận tâm đến chỗ ăn, chỗ nghỉ. Để sống được với nghề, người thợ cần phải có năng khiếu hội họa và tình yêu nghề. Bởi khi có đam mê, chúng ta sẽ có đủ lòng tin, sự kiên trì để học tập, rèn luyện gần 5 năm mới cho ra đời tác phẩm hoàn chỉnh, tạo được nét độc đáo của riêng mình và sau này mới khẳng định được thương hiệu”.

Nhìn 2 anh tỉ mỉ mài, đục từng thớ gỗ, cẩn trọng đến từng chi tiết mới thấy hết sự tâm huyết với nghề. Anh Luật nói: “Nghề này tập cho tôi tính kiên nhẫn. Lúc đầu, tôi cũng e ngại về vấn đề thời gian vì nghe nhiều người nói rằng học nghề này mất ít nhất 5 năm mới thành thạo. Thế nhưng sau khi học, tôi hiểu rằng không nên nóng vội mà cần có thời gian rèn luyện mới vững tay nghề".

Một vài năm trước, nghề điêu khắc gỗ đứng trước không ít thăng trầm bởi người tiêu dùng có xu hướng sử dụng đồ gỗ công nghiệp theo phong cách hiện đại. Nhưng gần đây, do nhu cầu xây nhà kiểu cổ, hoa văn cầu kỳ và hoạt động tu bổ, xây dựng đình, đền, miếu,... phục vụ đời sống tâm linh, nghề điêu khắc gỗ đã tìm lại được chỗ đứng nhất định, những người thợ điêu khắc có tay nghề cao được trọng dụng. Không chỉ yêu thích vẻ đẹp của những sản phẩm điêu khắc tinh xảo, nhiều người còn tin rằng các mẫu điêu khắc tượng gỗ được bài trí trong nhà còn mang yếu tố phong thủy, thu hút tài lộc, may mắn, mang đến sự thuận lợi trong công việc, học tập cho các thành viên trong gia đình và xua đi những điều không may.

Một phần trong tác phẩm nghệ thuật của anh Nguyễn Lam và Ma Đình Luật

Anh Nguyễn Lam cho biết thêm: “Làm nghề điêu khắc gỗ không chỉ cần có tay nghề mà còn phải am hiểu về phong thủy. Cụ thể, khi điêu khắc các tượng gỗ hình Phật, người thợ cần phải mang nét thiện, tính từ bi "thổi hồn" vào tượng gỗ. Để làm được điều này, bản thân người thợ phải có tâm mới giúp các tượng gỗ toát ra được năng lượng tích cực mà mỗi người nhìn vào sẽ cảm nhận được. Do đó, nếu dùng máy móc sẽ làm ra tác phẩm giống nhau, không có chất riêng. Đây là điểm khác biệt giữa điêu khắc bằng máy và thủ công”.

Hàng ngày, những nghệ nhân, thợ điêu khắc gỗ vẫn âm thầm tạo tác vào từng khúc gỗ vô tri để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, góp phần "giữ lửa" nghề truyền thống./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết