Có người ví thông tin như dòng chảy của dòng sông. Dòng chảy chính và mạnh nhất là dòng chủ lưu, những dòng chảy có vẻ yếu hơn nhưng chiếm phần lớn mặt sông đó là những dòng phụ lưu. Dòng chủ lưu cuốn hút, thúc đẩy, định hướng các dòng phụ lưu cùng chảy về một hướng.
Từ khái niệm trên, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin góp phần mạn đàm thêm giữa thông tin chính thống và mạng thông tin xã hội để cùng thống nhất xem đây tuy là hai lực lượng nhưng có thể là một cùng chảy trong dòng sông, xuôi về một hướng.
Theo thống kê mới nhất, cả nước có trên 48 triệu người có mặt trên Facebook, tức 48 triệu “người làm báo không chuyên”. Rõ ràng, mở mạng xã hội ra thì khó mà đọc hết khối lượng thông tin khổng lồ, đa chiều có cả “thượng vàng hạ cám”, đồng thuận có, bất mãn có, xây dựng có, đả phá có,...
Tất nhiên, có cả những người lợi dụng mạng xã hội bôi xấu dân tộc, Tổ quốc, chế độ, kích động xã hội vì mục đích, động cơ chính trị, quyền và lợi cá nhân. Đọc trên mạng xã hội, ta cũng thấy rõ xu hướng tự “hiệu chỉnh thông tin” bằng những nhận xét, lời bình.
Bên cạnh luồng thông tin chính thống, mạng xã hội góp phần không nhỏ đưa nhận thức, dư luận xã hội đi đúng luồng, hòa trong dòng chảy chính thống, tạo nên sự cộng hưởng của đôi dòng chủ lưu và phụ lưu một cách mạnh mẽ, cuốn trôi những gì không sạch trong dòng.
Những nhà báo của hệ thống thông tin chính thống hãy làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mình cùng với việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi từ các cấp, các ngành liên quan để thông tin chính thống mãi là dòng chủ lưu của dòng sông thông tin./.
Kim Dung