Tiếng Việt | English

28/08/2017 - 09:30

Thông tin - truyền thông nâng cao chất lượng cuộc sống

Thông tin - truyền thông là một trong những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của con người, có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đây còn được xem là “vũ khí” quan trọng trong công tác tuyên truyền, bởi tác động đến nhận thức và hành động của công chúng, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân. Công tác thông tin - truyền thông góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh,...

Các cơ quan báo chí là kênh thông tin quan trọng chuyển tải các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; đồng thời là diễn đàn đưa ý kiến của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước. Qua đó, nghị quyết, pháp luật đi vào cuộc sống, giúp nhân dân hiểu biết và ứng xử đúng pháp luật. Và cũng nhờ báo chí mà các cấp ủy, chính quyền tiếp thu ý kiến nhân dân, điều chỉnh các chính sách quản lý phù hợp, từ đó, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội.

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông đại chúng là một kênh thông tin quan trọng trong giám sát và phản biện xã hội. Có rất nhiều vụ án, sự việc khuất tất được báo chí đưa ra ánh sáng, làm minh bạch, rõ ràng hơn. Báo chí lên tiếng bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân; được Đảng, Nhà nước ta xác định là một phương tiện hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng công việc của cán bộ, công chức, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, nhiều thông tin hữu ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, khuyến nông, người tốt - việc tốt,... được công chúng tiếp nhận, trao đổi, học tập áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiểu biết, hình thành dư luận xã hội tích cực. Thông tin - truyền thông còn rút ngắn khoảng cách không gian, tiết kiệm tiền bạc, thời gian qua việc giao lưu, thăm hỏi, trao đổi giữa những người thân ở trong và ngoài nước qua mạng viễn thông,... Việc phát triển mạnh thông tin - truyền thông góp phần quan trọng trong phát triển KT- XH; hệ thống bưu chính rộng khắp mang đến những dịch vụ thuận tiện cho khách hàng; mở ra nhiều cơ hội làm ăn, quảng bá sản phẩm, kích thích tiêu dùng;... Bản thân thông tin - truyền thông cũng là ngành kinh tế quan trọng tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của thông tin - truyền thông cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội, nhất là tư tưởng và lối sống. Hiện còn nhiều trang mạng đen hoạt động, nhiều thông tin mang tính thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mạng; những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực vẫn còn; mạng xã hội phát triển nhanh nhưng phức tạp, mang lại nhiều hệ lụy cho giới trẻ; tội phạm trên mạng còn diễn ra,... Do đó, đòi hỏi ngành Thông tin và Truyền thông cần làm tốt hơn công tác quản lý, định hướng; tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh những lệch lạc của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

“Giao thông liên lạc như thần kinh, mạch máu con người. Không được để vi trùng xâm nhập vào mạch máu” - lời nói của Bác Hồ khẳng định vai trò, vị trí và cả nhiệm vụ của công tác thông tin - truyền thông./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết