Tiếng Việt | English

11/07/2018 - 15:24

Thủ Thừa: Tập trung phát triển đàn bò thịt

Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình đột phá Phát triển đàn bò thịt theo Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), người chăn nuôi trên địa bàn phát huy được tiềm năng, lợi thế, đạt hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, nuôi bò còn gặp khó khăn về chất lượng và đầu ra.

Phát huy lợi thế

Ngoài đàn bò có sẵn của người dân và Dự án Heifer, huyện tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh, ngân sách tỉnh thông qua các chương trình lồng ghép, vốn xã hội hóa,... tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu và đủ điều kiện nuôi bò vay 3,5 tỉ đồng và hỗ trợ trên 478 triệu đồng mua con giống, tiêm vắc-xin cho bò.

Ông Nguyễn Văn Lời (61 tuổi), ngụ ấp Vàm Kênh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi sản xuất 0,7ha lúa nên còn nhiều thời gian nhàn rỗi. Thấy đất quanh nhà thích hợp trồng cỏ và làm chuồng trại nên khi được tạo điều kiện, tôi vay vốn mua 2 con bò giống để nuôi. Tôi đã bán được 1 con bò lớn, hiện còn 5 con. Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng đàn bò”.

Nhờ nuôi bò, ông Nguyễn Văn Lời tận dụng được thời gian nhàn rỗi để có thêm thu nhập

“Tính đến nay, địa phương có 44 hộ được vay vốn để mua bò giống, nâng tổng số đàn bò của toàn xã lên 237 con với 62 hộ nuôi. Được huyện chọn làm điểm triển khai thực hiện chương trình phát triển đàn bò thịt, xã nỗ lực phát huy tiềm năng để phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An - Dương Vũ Ny cho biết.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình đột phá về Phát triển đàn bò thịt, toàn huyện có 826 hộ nuôi với 3.570 con bò, tăng 216 hộ nuôi và 2.329 con bò so với thời điểm ban hành NQ, đạt 71,4% chỉ tiêu NQ (đến năm 2020, phát triển đàn bò lên 5.000 con) và đạt 99,8% kế hoạch năm 2018.

Chú trọng chất lượng

Bên cạnh việc phát huy lợi thế, phát triển đàn bò, huyện còn chú trọng chất lượng đàn bò. Huyện quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi bò và thực hiện tốt công tác quản lý dịch bệnh, vệ sinh thú y. Huyện tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng, trị bệnh cho bò với 213 học viên tham gia, kinh phí 199,97 triệu đồng. Qua đó, người chăn nuôi được trang bị, nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng, trị bệnh; kỹ thuật trồng cỏ; xây dựng chuồng trại; cách chọn con giống tốt, chất lượng cao; chế biến thức ăn. Nhờ vậy, người nuôi từng bước thay đổi tập quán, hạn chế nuôi bò theo kiểu truyền thống.

Ông Võ Văn Tần (62 tuổi), ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh, chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm và sinh hoạt nhóm nuôi bò tại địa phương, tôi dần thay đổi phương pháp nuôi nhằm nâng cao chất lượng đàn bò. Tôi chú trọng giữ vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò. Đặc biệt, tôi ghi chép lại quá trình phát triển của từng con bò: Thời gian nuôi, thời gian tiêm vắc-xin, ngày gieo tinh, dự kiến ngày sinh, ngày sinh,... Nhờ vậy, đàn bò của gia đình tôi phát triển khá tốt”.

Người dân tận dụng những diện tích đất trống, trồng lúa kém hiệu quả và khuôn viên xung quanh nhà để trồng cỏ nuôi bò

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Văn Chót thông tin: “Hiện nay, phần lớn nông dân tham gia chương trình phát triển đàn bò thịt đều bán bò đực cho thương lái, còn bò cái giữ lại làm giống. Để giúp người nuôi giảm lo lắng về đầu ra, thời gian tới, huyện tăng cường liên hệ các trại nuôi bò thịt tập trung, cơ sở giết mổ gia súc trong và ngoài địa phương để tìm đầu ra ổn định”.

Nhằm phát triển đàn bò thịt, thời gian qua, huyện chỉ đạo xã Tân Thành và các ngành chuyên môn tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sản xuất Chăn nuôi Vạn Hưng Thịnh đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò tập trung trên địa bàn ấp 3, xã Tân Thành, với quy mô khoảng 1.000 con bò thịt, diện tích khoảng 20ha. Hiện, trang trại có 300 con bò giống, trong đó có gần 150 con đang mang thai.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chăn nuôi Vạn Hưng Thịnh - Đỗ Cao Chí cho biết: “Trang trại nuôi bò theo hướng bò giống sinh sản. Tôi chọn những con giống tốt như bò Brahman,... để phối tinh với bò Mỹ, cho ra thế hệ F1 và giữ lại bò cái, tiếp tục cho ra thế hệ F2, F3 để bò thuần chủng hơn. Đây là cách làm hiệu quả để có được giống bò tốt và giảm chi phí so với nhập khẩu bò từ Mỹ. Khi lai được giống bò này, đầu ra rất thuận lợi vì thị trường đang có nhu cầu cao”.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đầu ra cho đàn bò thịt, góp phần thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ huyện đề ra./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết