Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng.
Thông điệp này được Thứ thưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, do Bộ Y tế tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kháng thuốc đến từ việc mua, bán kháng sinh quá dễ dàng, không theo đơn.
“Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, thậm chí trầm trọng hơn nhiều nước. Không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam. Người dân sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sỹ, nhiều người tăng giảm liều vô tội vạ, không để ý đến hạn sử dụng... nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người," Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến cho rằng mỗi người dân cần nêu cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng; nhận thức rõ kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào; đồng thời khi mua thuốc kháng sinh nhất thiết phải theo đơn và có chỉ dẫn của bác sỹ.
Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sỹ, dược sỹ để kiểm soát chặt việc kê đơn, bán thuốc…
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện có 6 nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam gồm kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao, không kê đơn theo kết quả vi sinh, tiếp tục điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không kê theo đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải nhựa chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng nêu những tồn tại, thách thức trong công tác phòng, chống kháng thuốc. Đó là hợp tác liên ngành chưa được duy trì thường xuyên; nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, nông nghiệp về phòng chống kháng thuốc nói chung còn hạn chế. Năng lực của hệ thống xét nghiện vi sinh còn hạn chế, việc hỗ trợ cho lâm sàng hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, chất lượng dữ liệu về phòng chống kháng thuốc còn hạn chế; dữ liệu quản lý sử dụng kháng sinh chưa được đầy đủ, thường xuyên…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chung về tình hình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc; thực tế hoạt động của các địa phương trong thực hiện công tác này, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Chương trình giám sát sử dụng kháng sinh năm 2018 tiếp tục có những thành công như tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh tăng và đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ kháng sinh sử dụng tiếp tục giảm (còn 15% trong tổng số chi phí thuốc).
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện được đo lường; số lượng, tỷ lệ, thành phần vi khuẩn đa kháng được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện gặp một số tồn tại như số bệnh án khảo sát chưa nhiều, tỷ lệ gửi mẫu bệnh phẩm trước cấy còn chưa cao; tỷ lệ xuống thang kháng sinh còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin còn chưa mạnh, nhân lực cho chương trình còn thiếu, kinh phí cho chương trình hầu như không có…/.
Theo TTXVN