Thức ăn đường phố mang đến sự tiện lợi, tuy nhiên để bảo đảm an toàn thực phẩm, mong rằng, chủ các cơ sở chế biến quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng
Khó quản lý
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Phạm Văn Luân chia sẻ, TĂĐP tại Long An ngày càng phát triển mạnh nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều người. Tuy vậy, TĂĐP được bày bán ngay trên vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong,... luôn làm “đau đầu” các cơ quan chủ quản trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng tỉnh hiện quản lý trên 3.260 cơ sở bán thực phẩm, kinh doanh TĂĐP (không tính các loại hình bánh tráng trộn, cháo dinh dưỡng, xiên que, trà sữa). Tuy nhiên, thực tế số lượng cơ sở lớn hơn nhiều vì điểm bán không cố định, bán kiểu chạy chợ, bán trước cổng các khu, cụm công nghiệp.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng kiểm tra trên 3.220 cơ sở; trong đó, kiểm tra hồ sơ pháp lý đạt 80%; điều kiện bảo quản thực phẩm đạt 94%; nước dùng để chế biến thực phẩm đạt 87%; truy xuất nguồn gốc đạt 89%. Các cơ sở được kiểm tra có nước dùng để chế biến và truy xuất nguồn gốc thực phẩm chỉ đạt 72%.
Ông Phạm Văn Luân lý giải nguyên nhân làm “đau đầu” các cơ quan chủ quản bởi hầu hết người kinh doanh đều muốn lời nhiều nên chọn nguồn thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, ít quan tâm đến việc giữ vệ sinh dụng cụ chứa đựng, bảo quản thức ăn,... vì vậy, TĂĐP dễ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Thức ăn đường phố tiện lợi nhưng khó bảo đảm chất lượng
Tìm ẩn nguy cơ ngộ độc cao
Vào cuối tháng 9/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra 50 cơ sở giết mổ gia súc, chế biến chả lụa, lạp xưởng, lò quay,... thu 39 mẫu chả lụa, lạp xưởng, chả cá, thịt heo để kiểm nghiệm. Kết quả, có 1 mẫu lạp xưởng hàm lượng protein không đạt so với hồ sơ công bố.
Cơ sở chả lụa T. trên địa bàn phường 4, TP.Tân An, chuyên sản xuất chả lụa, nem nướng, nem chua. Cơ sở này bán lẻ và bỏ sỉ cho rất nhiều điểm bán thức ăn nhanh khác trên địa bàn TP.Tân An và các huyện lân cận. Trong quá trình kiểm tra, chủ cơ sở cho biết, chưa có giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với chả lụa (cơ sở đem mẫu đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu theo quy định); vì vậy, chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều đáng nói ở đây là sản phẩm chả lụa của cơ sở này sản xuất được bán khá nhiều trên thị trường.
Khi kiểm tra về nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất của cơ sở này, đoàn làm việc cũng nhận xét, máy dùng xay thịt quá dơ, không được rửa sạch sau mỗi lần sử dụng. Chảo dầu dùng chiên chả lụa có màu đậm, điều đó chứng tỏ qua nhiều lần sử dụng.
Chảo dầu dùng chiên chả có màu sậm, đã qua nhiều lần sử dụng tại một điểm làm chả chiên
Tại cơ sở sản xuất tương hột, tương xay và chanh muối trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, đoàn nhận xét, khu vực dùng để muối chanh có nhiều nước đọng, dễ nhiễm vi khuẩn. Riêng chanh được muối trong những thùng nhựa rất to, theo chủ cơ sở, những chiếc thùng này được mua lại sau khi đã qua sử dụng. Qua đọc các chữ viết trên thùng (tiếng nước ngoài), các thành viên của đoàn kiểm tra cho biết công dụng ban đầu của những chiếc thùng nhựa này chứa hóa chất dùng cho sản xuất công nghiệp. Vì thế, dùng muối chanh sẽ gây tác dụng phụ cho người sử dụng nên đề xuất thay thế dụng cụ khác.
"Toàn tỉnh có 42 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Để ngăn ngừa tình trạng gia súc giết mổ không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, ngăn ngừa tình trạng gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm, gia súc bị bơm nước và tiêm chích thuốc an thần, chi cục có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát gia súc đưa vào cơ sở giết mổ." Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Lê Thị Mai Khanh
|
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Những quán cơm, bún, phở nghi ngút khói ở một góc đường, chiếc xe bánh mì chả cá vừa chiên, vừa bán, những ổ bánh mì thơm lừng dồn heo quay, vịt quay,... gần như khá quen thuộc với nhiều người nhưng nếu một lần chứng kiến quy trình chế biến hay nơi chứa thực phẩm của các cơ sở này, chắc chắn người tiêu dùng không thể quay lại mua lần thứ hai.
Tại một tiệm bán vịt quay và bán bánh mì heo quay, vịt quay, chả lụa cũng trên địa bàn TP.Tân An, khi đoàn đến kiểm tra đột xuất, khu vực chế biến khá lộn xộn, không bảo đảm theo nguyên tắc một chiều. Trong tủ đông, còn 3-4 con vịt đã quay và khá nhiều chả lụa; gia vị chế biến vịt quay, bột màu sau khi pha chế để tạo màu cho vịt quay không được đậy nắp,... Khi được hỏi, vịt đã quay và chả lụa trữ đông nhằm mục đích gì, chủ cơ sở cho biết, do bán chậm nên trữ lại chứ không bán cho khách nhưng có lẽ, ai cũng hiểu chủ cơ sở trữ lại để làm gì.
Vịt đã quay và khá nhiều chả lụa được trữ đông - do bán ế, tại một điểm bán trên địa bàn TP.Tân An
Trong cuộc sống bận rộn, TĂĐP trở thành sự lựa chọn của nhiều người bởi sự tiện lợi, giá phải chăng nhưng có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không thì không ai chắc chắn. Để bảo đảm an toàn thực phẩm TĂĐP, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động người bán hàng tự giác tuân thủ chặt chẽ các quy trình từ khâu lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến và bày bán sao cho hợp vệ sinh.
Đối với các cơ sở, điểm kinh doanh không tuân thủ theo quy định pháp luật, thức ăn không có nguồn gốc, xuất xứ, cố tình vi phạm các quy định pháp luật, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục kết hợp địa phương kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng trên hết, người tiêu dùng cần lựa chọn những nơi có vị trí sạch sẽ, thực phẩm được công bố hàng hóa đủ điều kiện chất lượng sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc./.
Thanh Tùng